Không những thế, việc bỏ rác không đúng nơi quy định cũng gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý khiến ngân sách của thành phố đầu tư xử lý rác sinh hoạt ngày càng tăng. Nhiều người dân và đại biểu HĐND góp ý rằng, thành phố nên tăng khung xử phạt hành chính để răn đe các hành vi xả rác bừa bãi và lắp camera để phạt nguội đối với hành vi này.
Rác thải tràn ngập trên kênh Hàng Bàng ngày 20-7. Ảnh: CAO THĂNG
Những nguồn thải vô chủ
Ghi nhận thực tế cho thấy, tình trạng xả rác nơi công cộng trên địa bàn thành phố hiện đang rất phức tạp. Chỉ cần có đám đông, gánh hàng rong hay quán ăn ven đường là sẽ xuất hiện rác thải ở đây. Ghi nhận tại công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), cứ tầm 5 - 6 giờ chiều, có nhiều nhóm tụ tập, ăn uống. Sau mỗi cuộc vui, khi mọi người rút đi thì vô số rác thải gồm túi ni lông, hộp nhựa, vỏ chai... bỏ lại quanh khu vực. Thực trạng này cũng diễn ra ở hầu hết các công viên trên địa bàn thành phố. Không những vậy, rác thải còn bỏ vô tội vạ trên cầu - điểm giao giữa quận này với quận kia.
Ghi nhận tại chân cầu Thị Nghè 2 trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (điểm nối giữa quận 1 và quận Bình Thạnh), thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều rác sinh hoạt chất đống ven đường và để lâu ngày không thấy ai thu gom. Trong 3 ngày (16, 17 và 18) tháng 7 vừa qua, lưu thông qua đoạn đường này chúng tôi vẫn thấy rác chất đống ở đây, mỗi ngày một nhiều hơn nhìn rất mất mỹ quan. Một nguồn thải nữa cũng rất khó kiểm soát, đó là lượng rác từ các quán cóc, xe bán hàng rong ven đường, khu dân cư thải ra. Rác từ các nguồn thải này đủ thứ hỗn hợp, nào là vỏ trứng vịt, vỏ trái cây, hộp nhựa, chai nhựa. Đặc biệt, ở các quán cóc, không chỉ xả rác bừa bãi ra môi trường mà nước thải của hoạt động rửa chén cũng được tuồn thẳng vào cống thoát nước chung của khu vực.
Trao đổi về nội dung này, đại diện một số quận - huyện cho rằng, cái khó hiện nay là quận - huyện không đủ nhân lực cũng như vật lực để giám sát, theo dõi và xử phạt. Các hành vi này thường diễn ra lén lút, tức thì nên rất khó bắt quả tang tại chỗ.
Ông Đặng Hải Bình, Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12, chia sẻ do đặc thù quận 12 có tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng dân nhập cư nhiều nên quận đang đối mặt với tình trạng rác thải ngày một tăng. Tình trạng xả rác nơi công cộng vẫn tái diễn hàng ngày. Quận cũng đã liên tục thực hiện việc tuyên truyền mọi người bỏ rác đúng nơi quy định, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận lớn người dân thiếu ý thức, tiếp tục bỏ rác không đúng nơi quy định. Để hạn chế tình trạng này, quận sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp với việc xử phạt để cùng chung tay với thành phố xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp.
Một cán bộ của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết mặc dù đã có quy định, nghị định xử phạt hành vi xả rác không đúng nơi quy định, thế nhưng hiện nay vẫn rất khó xử phạt. Một mặt do ý thức của người dân còn kém, mặt khác, lực lượng chức năng chưa đủ để thực thi. Việc xả rác bừa bãi ra nơi công cộng đã và đang gây nhiều khó khăn cho lực lượng thu gom, kéo theo đó là tăng nhiều chi phí cho việc xử lý.
Song hành tuyên truyền và chế tài
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM thông tin, theo Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẫu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định, hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định, hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố có khung phạt tiền từ 500.000 - 7.000.000 đồng. Các vi phạm nêu trên là hành vi xảy ra mang tính tức thời. Đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân, khách vãng lai, mức phạt tiền thuộc trường hợp phải lập biên bản hành chính và ban hành quyết định xử phạt (không thuộc trường hợp xử phạt hành chính vi phạm tại chỗ) theo khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trong khi đó, lực lượng phát hiện vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phần lớn không có thẩm quyền tạm giữ giấy tờ tùy thân của người vi phạm nên việc xử lý hành vi vi phạm rất khó thực hiện.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện nay mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh 8.900 tấn rác thải sinh hoạt và dự báo đến năm 2020 có khoảng 11.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, riêng khu vực công cộng chiếm đến 2.300 tấn. Nếu lượng rác này không được tổ chức thu gom, xử lý sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm, rác trôi xuống cống gây tắc nghẽn dòng chảy, ngập nước.
Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đoàn thể, chính quyền cơ sở tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định cho người dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; trong đó có hành vi xả rác nơi công cộng cho hệ thống chính quyền các quận - huyện, phường - xã. “Phải kết hợp giữa đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường xử phạt thì tình trạng xả rác không đúng nơi quy định mới được xử lý triệt để. Ngoài ra, để có căn cứ xử lý vi phạm, thành phố đang tiến hành lắp đặt thêm hệ thống camera ở các khu vực công cộng”, ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.