Ngày 9-12, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc tọa đàm có chủ đề Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA.
“Các lô hàng xuất khẩu đi EU được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA đang chiếm 20% tổng kim ngạch hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi EU”, bà Trịnh Thị Thu Hiền nói. Tổng kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O trong khuôn khổ EVFTA là 18,7 tỷ USD trong hai năm đầu thực hiện EVFTA.
Hàng xuất khẩu đi EU chủ yếu được cấp C/O đến những thị trường có cảng biển hoặc các trung tâm phân phối của châu Âu, như: Bỉ, Đức, Hà Lan hoặc Pháp... Và chủ yếu là những sản phẩm đang có kim ngạch cao như da giày, thủy sản... Chẳng hạn, mặt hàng da giày đã được cấp C/O với kim ngạch xuất khẩu kể từ khi có EVFTA là 8,9 tỷ USD.
Tuy nhiên, để giúp doanh nghiệp hiểu được những điểm khác biệt trong quy định về thực hiện quy tắc xuất xứ của EVFTA so với những quy định ưu đãi thuế quan khác, bà Đặng Thị Hải Bình, Phó trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa và sở hữu trí tuệ - Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, mỗi FTA sẽ có những quy định riêng nên để đáp ứng, để tận dụng được các mức thuế ưu đãi trong khuôn khổ hiệp định thì doanh nghiệp cần nắm chắc các quy định về xuất xứ hàng hóa của mỗi hiệp định.
EVFTA có quy định rất rõ về chứng từ chứng nhận C/O khi hàng Việt Nam xuất sang EU được cấp bởi một cơ quan thẩm quyền hoặc tự chứng nhận xuất xứ bởi doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu các lô hàng có trị giá không quá 6.000 Euro thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể tự chứng nhận. Hoặc liên quan hải quan thì có quy định về nguyên tắc lãnh thổ, trong quá trình vận chuyển, hàng hóa có thể quá cảnh qua một nước không phải là thành viên của EVFTA nhưng phải đảm bảo là hàng hóa không bị một số hoạt động can thiệp trong quá trình vận chuyển.
Đi vào cụ thể chủ đề gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi tối đa từ EVFTA, ở góc độ của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, sản phẩm chủ lực của ngành da giày là giày thể thao. “Trong hơn 1 tỷ đôi giày dép sản xuất tại Việt Nam thì 2/3 là sản xuất giày thể thao, nhưng chúng ta đang phải nhập khẩu (nguyên phụ liệu) khá là nhiều. Riêng về da thuộc hàng năm chúng ta đã nhập khẩu tới hơn 1 tỷ USD và đây là thách thức rất lớn khi chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu này” - bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
Trong khi đối với thị trường EU thì dòng giày da có lộ trình là sau 7 năm thuế xuất khẩu vào EU sẽ giảm về 0%, những sản phẩm có chứng nhận xuất xứ đúng quy định sẽ được hưởng thuế suất này. “Vì vậy theo tôi, giải pháp sắp tới là chúng ta phải thu hút thêm đầu tư sản xuất loại nguyên phụ liệu da thuộc tại Việt Nam để nâng tỷ trọng sản xuất giày da để xuất khẩu vào thị trường EU thì sẽ tận dụng được cơ hội này tốt hơn nữa” - bà Phan Thị Thanh Xuân đề nghị.
Để đạt được mục tiêu này, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, thứ nhất, chúng ta cần phải tập trung thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nhất là nguyên liệu về da thuộc; thứ hai, cần hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, vì hiện nay chúng ta vẫn chủ yếu gia công, chưa có được hàm lượng giá trị gia tăng tốt và cũng chưa chủ động được vấn đề đổi mới sáng tạo để tạo ra được giá trị gia tăng cao hơn và có thể hấp thụ được những công nghệ mới từ EU nhập khẩu vào Việt Nam.
Bà Phan Thị Thanh Xuân đề nghị quy hoạch phát triển vùng nguyên phụ liệu tại các địa phương bằng các loại công nghệ mới, thân thiện môi trường và đáp ứng được các tiêu chí. Bởi vì EU đặt tiêu chuẩn khá cao về môi trường và công nghệ nên phải tập trung làm cho tốt.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, bà Trịnh Thị Thu Hiền cho biết, Bộ Công thương đang tiếp tục tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa để tạo hành lang pháp lý và có quy định cụ thể, minh bạch liên quan đến vấn đề này, trong đó có cả những chế tài xử phạt cũng được chú trọng, đáp ứng đúng những quy định khắt khe của EU.
“Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu sẽ chủ động phối hợp với cơ quan hải quan của nước nhập khẩu để trong trường hợp nếu có đề nghị xác minh xuất xứ thì chúng tôi sẽ đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp chứng minh xuất xứ của hàng hóa đó” - bà Trịnh Thị Thu Hiền nhấn mạnh. Trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng xuất xứ thì Bộ Công thương sẽ cùng EU tìm hiểu và có biện pháp kịp thời để chống gian lận xuất xứ hàng hóa.