Tăng tỷ lệ điều tiết cho TPHCM là tháo gỡ nút thắt phát triển

Chiều 18-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM làm việc với UBND TPHCM và các sở ngành về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020 và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: hcmcpv
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: hcmcpv

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm 2020 của TPHCM ước đạt gần 388.000 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 2,6%. Điểm tích cực là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TPHCM 4 tháng đầu năm ước đạt 14,4 tỷ USD, tăng 16,7%. Tăng trưởng cao nhất trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu là ngành sản xuất hàng điện tử, tăng 16,3%.

Trong 4 tháng qua, có hơn 11.200 doanh nghiệp thành lập mới, hơn 1.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Nhờ thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, xu thế tăng cường phân cấp, ủy quyền đã bước đầu tạo sự chủ động cho các cơ quan, đơn vị, nhất là kịp thời giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính trong các lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế - xã hội của các nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết 54 nhìn chung còn khiêm tốn.

Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM phân tích, trong bối cảnh phát triển kinh tế dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cần thiết cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TPHCM cần nhiều nguồn vốn hơn nữa. Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TPHCM có xu hướng giảm qua từng thời kỳ ổn định ngân sách, từ 33% (năm 2000), sau 20 năm, giảm còn 18% (năm 2020). Tỷ lệ điều tiết giảm mạnh dẫn đến việc cân đối ngân sách của TPHCM ngày càng trở nên khó khăn trước nhiều thách thức về hạ tầng kỹ thuật, tệ nạn xã hội, sự không bền vững về lao động, dân số, tài chính địa phương và việc giữ vững vai trò đầu tàu của TPHCM. Trong khi đó, qua tổng kết sơ bộ kết quả 10 năm phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cho thấy, sự phát triển của TPHCM tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của vùng nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM tác động tích cực đến sự phát triển của vùng, đặc biệt là lĩnh vực hạ tầng giao thông. TPHCM sẽ có thêm các nguồn lực để thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng giao thông liên kết vùng như: cao tốc TPHCM - Mộc Bài; dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 1; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22; dự án mở rộng quốc lộ 50… Các dự án đầu tư hạ tầng giao thông liên kết vùng sau khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi trong giao thương, phát triển sản xuất kinh doanh giữa các tỉnh trong vùng và trong cả nước. 

Trao đổi với UBND TPHCM, ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê đề cập đến tình hình chỉ số tăng trưởng thấp và đề nghị TPHCM phân tích kỹ, có hướng phát triển hiệu quả trong trạng thái bình thường mới.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm góp ý, TPHCM cần nêu rõ các giải pháp khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới, giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu. Theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, TPHCM cần rà soát lại doanh nghiệp theo từng nhóm, nắm bắt sâu sát khó khăn cụ thể của doanh nghiệp để có giải pháp thích hợp.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị TPHCM cần hoàn chỉnh Đề án Tăng tỷ lệ điều tiết cho TPHCM giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030, sớm gửi tới các ĐBQH tiếp cận, nghiên cứu.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm bày tỏ, trân trọng các góp ý của các ĐBQH và cho biết, TPHCM đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ doanh nghiệp. Thành phố cũng có 3 kịch bản tăng trưởng, phát triển từ nay đến cuối năm 2020 và năm 2021. Để thúc đẩy phát triển, TPHCM cũng chú trọng giải ngân nhanh vốn đầu tư công, nhất là ở các ngành trọng điểm, mũi nhọn; có giải pháp thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tiếp tục hoàn thiện các đề án phục vụ cho sự phát triển của TPHCM.

* Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND Tối cao; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, tiếp xúc cử tri quận 5, 10 và 11 trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. 

Trả lời ý kiến cử tri về việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM trong giai đoạn tới, ĐB Lê Minh Trí cho biết, TPHCM đã kiến nghị nhiều lần, bản thân ông cũng từng góp tiếng nói đề nghị vấn đề này.

Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, ĐB Lê Minh Trí chia sẻ, trong quá trình xem xét vụ việc, VKSND Tối cao thấy có nhiều chứng cứ còn mâu thuẫn hoặc chưa được làm rõ. Căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì những dấu hiệu này là căn cứ để kháng nghị xem xét lại. Viện trưởng VKSND Tối cao không nói Hồ Duy Hải có tội hay không có tội, nhưng thấy còn nhiều sai sót, những chứng cứ chứng minh chưa chặt chẽ, thậm chí còn mâu thuẫn giữa hiện trường, lời khai, thực nghiệm điều tra. Chính vì vậy mà VKSND Tối cao thấy cần thiết phải kháng nghị hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại xem có tội hay không có tội một cách thận trọng, khách quan, đảm bảo bảo vệ tính mạng con người khi chưa có chứng cứ trực tiếp khẳng định việc người đó có giết người hay không.

ĐB Lê Minh Trí khẳng định việc kháng nghị là đúng thẩm quyền, có căn cứ và đúng pháp luật cũng như đã báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét kết luận.

Tin cùng chuyên mục