Theo liên bộ Công thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới trong 10 ngày qua chịu ảnh hưởng của các yếu tố như Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại Vũ Hán, khai thác và xuất khẩu dầu thô của Hoa Kỳ tăng, biến động tăng giảm của đồng USD, hoạt động kinh doanh của Hoa Kỳ giảm gây lo ngại về tăng trưởng kinh tế, nhiều ngân hàng trung ương của các nước châu Âu tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát… Các yếu tố này đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng đối với xăng RON95, dầu mazut và giảm nhẹ đối với dầu diesel, dầu hỏa và xăng RON92.
Ngoài tác động của giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước còn tiếp tục chịu tác động của tỷ giá USD/VNĐ tại Vietcombank liên tục tăng (tỷ giá mua chuyển khoản và bán ra bình quân dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 1-11-2022 ở mức 24.346-24.879 đồng/USD, tăng 518-520 đồng/USD so với kỳ điều hành ngày 21-10-2022) sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ giao động tỷ giá từ 3% lên mức 5% và liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm của USD/VND (từ mức 23.688 đồng/USD ngày 21-10-2022 lên mức 23.697 đồng/USD ngày 1-11-2022).
Để hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bảo đảm nguồn cung cho thị trường, liên bộ quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5RON92, dầu hỏa, dầu diesel; giảm mức trích lập đối với xăng RON95 và dầu mazut để hỗ trợ giảm giá bán lẻ của các mặt hàng này. Đồng thời, không chi Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu.
Vì vậy, kể từ chiều 1-11, giá xăng E5RON92 được điều chỉnh tăng nhẹ lên mức mới là 21.873 đồng/lít (tăng 377 đồng/lít), xăng RON95-III lên mức mới là 22.756 đồng/lít (tăng 412 đồng/lít); dầu diesel lên mức 25.070 đồng/lít (tăng 287 đồng/lít), dầu hỏa lên mức 23.783 đồng/lít (tăng 120 đồng/lít), dầu mazut 180CST 3.5S lên mức 14.082 đồng/kg (tăng 183 đồng/lít).