Theo đó, đối với người lao động nghỉ hưu trong điều kiện bình thường, khi đủ điều kiện nghỉ hưu mà có 20 năm đóng BHXH được hưởng lương hưu ở mức bằng 55% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với lao động nữ; bằng 47% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với lao động nam (nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ 1-1-2021 đến 31-12-2021).
Trường hợp nghỉ hưu từ ngày 1-1-2022 trở đi, mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Về điều kiện hưởng lương hưu tối đa từ năm 2021, theo điểm a, khoản 1, Điều 219 Bộ Luật Lao động 2019 sửa đổi, bổ sung và Điều 54 Luật BHXH 2014, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường khi nghỉ hưu có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu: đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ (tăng 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ). Mức hưởng hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH là 19 năm đối với nam và 15 năm đối với nữ. Sau đó, cứ thêm mỗi năm, được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Để được hưởng mức tối đa 75%, tương đương người lao động cần 30 năm đóng BHXH trở lên đối với lao động nữ; 34 năm đóng BHXH đối với lao động nam (nghỉ hưu từ ngày 1-1-2021 đến ngày 31-12-2021) và 35 năm đóng BHXH khi nghỉ hưu từ ngày 1-1-2022.
Từ năm 2021, các trường hợp được về hưu trước tuổi, hưởng nguyên lương, không bị trừ tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi là: nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%, hoặc có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên…
Đối với cán bộ, công chức, viên chức bị tinh giản biên chế sẽ được hưởng các chế độ tùy từng trường hợp theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định 113/2018/NĐ-CP. Theo đó, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi đối với nữ, đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên: Không bị trừ tỷ lệ lương hưu; được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH…