Ngày 14-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Bộ Luật Lao động là Bộ luật quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân nên nhận được nhiều góp ý cụ thể của các đại biểu.
Dự thảo Bộ Luật Lao động bổ sung 1 ngày nghỉ lễ vào ngày 27-7, bởi số ngày nghỉ lễ, tết trong một năm của người lao động Việt Nam hiện nay (10 ngày/năm) ở mức trung bình thấp so với cac quốc gia trên thế giới và khu vực (dao động từ 11-28 ngày nghỉ/năm).
Nhiều đại biểu tán đồng với việc bổ sung ngày nghỉ lễ. Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM cho rằng, thêm ngày nghỉ lễ vào dịp 27-7 là hợp lý, suốt thời gian 4 tháng (từ ngày 2-5 đến ngày 1-9) hiện không có một ngày nghỉ lễ nào.
Ông Trần Hảo Trí, Phó Trưởng Phòng Quản lý Lao động Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM nhận xét, nghỉ lễ ngày 27-7 là một dịp ý nghĩa, thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc, tri ân với những người đã có công với nước.
Về tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều đại biểu tán đồng với tăng tuổi nghỉ hưu nếu đồng thời có các điều kiện khác để đảm bảo quyền lợi thụ hưởng an sinh xã hội và thể hiện tính sòng phẳng của quy định pháp luật với người lao động. Cụ thể, theo dự thảo (phương án 1) kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 3 tháng, nữ là 55 tuổi 4 tháng; sau đó mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội (BHXH), Sở Lao động Thương binh-Xã hội (LĐTB-XH) TPHCM nêu thực tế, trong thị trường lao động, nhiều người lao động hiện nay không “theo cuộc chơi” tận cùng đến 55 (nữ) hay 60 tuổi (nam). Vì thế, nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên, thì sẽ có nhiều người chới với – không tham gia thị trường lao động, cũng chưa được hưởng lương hưu - và sau này không có điều kiện hưởng lương hưu lâu dài.
Để nhiều người được hưởng chính sách BHXH như tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, ông Nguyễn Tất Năm đề nghị, đồng thời với tăng tuổi nghỉ hưu, cần giảm điều kiện về số năm đóng BHXH, xuống 15 năm, thậm chí là 10 năm thay vì phải 20 năm đóng BHXH như hiện nay.
Trong khi đó, ông Trần Hảo Trí góp ý, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải được thực hiện một cách sòng phẳng với người lao động. Người lao động đang làm việc và sẽ nghỉ hưu theo quy định hiện hành – một cam kết của nhà nước với người lao động - nếu bây giờ thay đổi thì không khác gì tự dưng phá vỡ cam kết này, rất có thể sẽ xảy ra phản ứng mạnh của người lao động, như đã từng xảy ra.
Ông Trần Hảo Trí đề nghị một phương án mới: những ai tham gia BHXH từ 2021 trở đi thì mới bị điều chỉnh bởi quy định tăng tuổi nghỉ hưu; còn với lao động đang tham gia BHXH thì nhà nước phải giữ cam kết điều kiện về tuổi nghỉ hưu như hiện nay, không thay đổi.
Về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, Bộ Luật Lao động hiện hành quy định tổng thời gian làm thêm tối đa không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt thì không quá 300 giờ/năm; dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đề xuất trong trường hợp đặc biệt, tăng thêm 100 giờ/năm (từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).
Ông Nguyễn Tất Năm đề nghị cần cân nhắc và đánh giá tác động mặt trái của việc tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm. Bởi hiện nay, công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp sau giờ làm việc và làm thêm thì về nhà trọ chỉ biết ngủ và ngủ để bù lại sức.
“Đó không phải là cuộc sống! Công nhân hưởng thụ về phúc lợi ở đâu, đâu còn thời gian hưởng thụ nữa! Phải chăng công nhân đang làm cho cực, hết cực thì đến khổ - khổ vì kiệt sức, phát sinh bệnh tật? Vậy nếu tăng giờ làm thêm lên 400 giờ thì mặt trái là gì?”, ông Nguyễn Tất Năm lo ngại.