Tuyển dụng nhiều lần trong năm
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) - một trong 7 đơn vị được phân quyền tuyển dụng giáo viên từ năm học 2022-2023, cho biết, tự chủ tuyển dụng giúp các trường chủ động tìm kiếm ứng viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy thực tế của đơn vị, giải quyết nhanh thiếu hụt về nhân sự. Trong năm đầu tiên được phân cấp, trường sẽ tổ chức thi tuyển giáo viên, chú trọng chất lượng vòng thi thực hành, phỏng vấn trực tiếp ứng viên với các tiêu chí ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin, có kỹ năng dạy học trực tiếp lẫn trực tuyến, lồng ghép Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vào giảng dạy.
Tương tự, tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), thầy Hiệu trưởng Hà Hữu Thạch thông tin, trường đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên cho năm học mới, trong đó chuẩn bị kỹ lưỡng ngân hàng đề thi vừa đảm bảo quy định về pháp luật vừa thỏa mãn yêu cầu chuyên môn, qua đó tìm ra các ứng viên đủ năng lực đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm của đơn vị.
Thầy Hà Hữu Thạch cho biết, để thực hiện đầy đủ quy trình tuyển dụng gồm thành lập ban tuyển dụng, ban giám sát, ra đề thi, đăng công khai thông tin tuyển dụng trên báo chí, quy định thời gian ứng viên nộp hồ sơ, tổ chức các vòng thi tuyển… cần ít nhất 2 tháng để thực hiện. Theo kế hoạch, trường sẽ tổ chức tuyển dụng trong tháng 9, ứng viên trúng tuyển bắt đầu nhận nhiệm sở từ tháng 10-2022.
Riêng đối với Trường THCS-THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ) - đơn vị duy nhất được phân quyền tuyển dụng trú đóng trên địa bàn xã đảo Thạnh An, thầy Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, đặc thù riêng của xã đảo là rất khó tuyển giáo viên. Nhiều năm trở lại đây, một số môn học không có ứng viên dự tuyển hoặc ứng viên trúng tuyển viên chức nhưng từ bỏ nhiệm sở. “Các năm học trước, tuyển không đủ giáo viên, chúng tôi phải hợp đồng thỉnh giảng, chờ năm sau tuyển tiếp.
Năm nay, việc phân cấp tuyển dụng giúp trường tổ chức nhiều đợt tuyển dụng trong năm, nhưng bài toán thiếu hụt nguồn tuyển chưa tìm ra lời giải”, thầy Ngọc chia sẻ. Theo lý giải của đơn vị, giáo viên hộ khẩu thành phố ngại nhận công tác ở xã đảo do điều kiện đi lại khó khăn, trong khi đó nguồn ứng viên tại chỗ (dân cư sinh sống trên xã đảo) rất hạn chế. Trong 4 năm trở lại đây, môn tiếng Anh không có ứng viên dự tuyển, trường phải hợp đồng thỉnh giảng giáo viên với thù lao cao hơn các đơn vị khác nhưng vẫn khó giữ chân đội ngũ. Ngoài môn tiếng Anh, trường còn thiếu giáo viên ở 2 môn Ngữ văn và Toán.
Các đơn vị cần chủ động
Để phân cấp tuyển dụng viên chức đạt hiệu quả, ông Tống Phước Lộc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, đơn vị nào để xảy ra sai phạm về quy trình, lạm quyền, gây nhũng nhiễu trong công tác tổ chức tuyển dụng, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Trong đó, người đứng đầu đơn vị và từng thành viên được phân công nhiệm vụ phải thật sự gương mẫu, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thể hiện được tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Trước đó, sở này đã tổ chức tập huấn công tác tuyển dụng viên chức cho các đơn vị được phân cấp tuyển dụng. Sau khi kết thúc tuyển dụng, tất cả đơn vị được phân cấp phải gửi báo cáo về Sở GD-ĐT TPHCM để kiểm tra quy trình thực hiện.
Về lâu dài, thầy Huỳnh Thanh Phú kiến nghị Sở GD-ĐT TPHCM mở rộng hơn phân cấp tuyển dụng đối với tất cả trường THPT chứ không chỉ trường tiên tiến, hội nhập, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động bổ sung lực lượng đáp ứng nhu cầu giảng dạy, tiến tới đẩy mạnh tự chủ trong các trường học. Song song đó, để thực hiện tốt quyền tự chủ, người đứng đầu đơn vị phải chủ động phối hợp với các trường sư phạm để mở rộng nguồn tuyển giáo viên.
Theo thầy Hà Hữu Thạch, một trong những cái khó của tuyển dụng giáo viên các bộ môn nghệ thuật hiện nay là trường đại học chưa có mã ngành đào tạo các ngành học này, trong khi đó, giáo viên tốt nghiệp hệ cao đẳng không đáp ứng yêu cầu về chuẩn trình độ giáo viên dạy ở bậc THPT. Hiệu trưởng này kiến nghị, cơ quan quản lý có biện pháp tháo gỡ khó khăn chung cho các đơn vị, cho phép giáo viên trình độ cao đẳng giảng dạy bậc THPT trong thời gian chưa có nguồn tuyển giáo viên đủ trình độ theo quy định.
Đối với các đơn vị chưa được phân cấp tuyển dụng, Sở GD-ĐT TPHCM thông báo tuyển dụng 386 viên chức, trong đó có 296 giáo viên và 90 nhân viên phục vụ công tác giảng dạy ở các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện. Điều kiện tuyển dụng là ứng viên có quốc tịch và cư trú tại Việt Nam, không yêu cầu hộ khẩu TPHCM, có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp vị trí việc làm cần tuyển dụng. Tính đến cuối tháng 6-2022, TPHCM đã phân cấp tuyển dụng cho 24 đơn vị, bao gồm 7 trường THPT, bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023. |