Trụ cột trọng tâm
Hiện có nhiều lĩnh vực tác động chủ yếu đến kinh tế xanh của thành phố, như: phát triển năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng; phát triển phương tiện giao thông công cộng, xe điện; sản xuất nông nghiệp xanh, tăng sản phẩm thực vật; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển…
Theo ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cơ chế cho kinh tế xanh thành phố cần dựa trên các trụ cột: điện áp mái, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, thu hút nhà đầu tư chiến lược về năng lượng sạch, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về năng lượng sạch…
Để thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình phát triển nền kinh tế xanh, TPHCM cần tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ, tích cực lựa chọn, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam, đẩy mạnh nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề phát triển kinh tế xanh. Cần xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đầy đủ, đồng bộ, tập trung để hỗ trợ lựa chọn, đánh giá nhà đầu tư, dự án tiềm năng sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, nhất là trong các ngành, lĩnh vực Việt Nam và TPHCM ưu tiên phát triển, có lợi thế so sánh.
TPHCM cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp trong thành phố đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh. Ưu tiên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, mô hình các khu công nghiệp sinh thái và bất động sản công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Điều các doanh nghiệp luôn mong mỏi là TPHCM tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực kinh tế xanh.
Ông Dieter Billen, chuyên gia đứng đầu bộ phận Năng lượng & phát triển bền vững của Tập đoàn Tư vấn quốc tế Roland Berger, nhận xét, TPHCM đang tiên phong trong tăng trưởng xanh, đóng vai trò quan trọng quản lý chất thải, khu công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo… Thành phố có thể huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu trên để trở thành hình mẫu cho cả nước.
Xanh hóa ngành giao thông
Với một siêu đô thị như TPHCM, PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức, phân tích, thành phố có hơn 10 triệu người dân, có 8 triệu xe máy và hơn 1 triệu ô tô chạy bằng xăng. Vì vậy, thành phố nên có những giải pháp xanh hóa ngành giao thông, như với xe điện. Theo chuyên gia này, có 4 nhóm chính sách cần tập trung để thúc đẩy xe điện: Cơ chế tài chính, tài khóa để khuyến khích người dân sử dụng như tài trợ mua xe, hỗ trợ đổi xe, giảm thuế cho người mua xe điện; thắt chặt nền kinh tế phát thải và các ngành sản xuất có phát thải CO2 với các quy định, quy chuẩn bắt buộc để chuyển đổi sang xe điện; xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng như trạm sạc công cộng, bãi đậu xe cho xe điện; có những chính sách giới hạn lưu lượng phương tiện giao thông, quy hoạch khu vực khuyến khích sử dụng xe điện.
Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO Selex Motors, cho rằng, TPHCM nên có lộ trình và giải pháp hỗ trợ chuyển đổi xanh để thúc đẩy việc sử dụng xe điện và thúc đẩy sự chủ động của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi này. Đề nghị xem xét ưu tiên chuyển đổi xe điện với nhóm đối tượng giao nhận hàng hóa (shipper) vì tính hợp lý về kinh tế, môi trường và an sinh xã hội. TPHCM hiện có khoảng 500.000 shipper với chi phí xăng xe chiếm khoảng 50% trong chi phí vận hành. Do đó, việc sử dụng xe điện sẽ giúp nhóm shipper giảm chi phí xăng xe, giảm xả thải CO2 ra môi trường. Một trong các sáng kiến có thể cân nhắc để giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng là xây dựng trạm cung cấp điện/đổi pin dùng chung cho hệ thống xe điện của tất cả các hãng xe. Bên cạnh đó là giải quyết bài toán chi phí, giúp người dân sử dụng xe điện nhiều hơn. Nếu thực hiện hiệu quả thì các giải pháp tài chính thì có thể thúc đẩy việc sử dụng xe điện và giảm lượng khí thải carbon.
Kiến tạo tài chính xanh
Theo tính toán của Bộ KH-ĐT và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030 tại Việt Nam, dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30%. Đối với TPHCM, nguồn lực ở đâu để xanh hóa kinh tế? Theo ông Peter Hồng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư công không phải là nguồn vốn chủ đạo trong tăng trưởng xanh, mà nguồn đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định.
Do đó, Chính phủ và TPHCM cần có cơ chế để thúc đẩy hơn nữa các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước: cần thành lập ngân hàng xanh chuyên biệt hoặc quỹ đầu tư xanh… thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, tín dụng xanh, tín chỉ carbon, thị trường mua bán carbon; đầu tư mạnh mẽ vào các dự án xanh như năng lượng, vận tải, sản xuất… Đây chính là kênh thu hút hiệu quả các dòng vốn phục vụ tăng trưởng xanh, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức triển khai dự án xanh của TPHCM.
Để thực hiện kinh tế xanh, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng, TPHCM nên thay đổi cách tiếp cận với kinh tế tư nhân và các tổ chức quốc tế. Nên có những kế hoạch cụ thể với quyết tâm làm đến cùng, đồng thời chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn trong giai đoạn đầu để đầu tư cho tương lai bền vững hơn, nhưng đến khi tích lũy đủ thì mức tăng trưởng sẽ tăng lên, tăng cao và TPHCM đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh này. Nếu chúng ta có thể tạo ra hệ thống chính sách, cơ chế phù hợp để nghiên cứu và áp dụng khoa học - công nghệ phù hợp đồng thời có những người nghiên cứu, người hoạch định chính sách, người thực thi, người kinh doanh và người tiêu thụ cùng hướng tới một mục tiêu chung, kinh tế xanh sẽ là một con đường khả thi để đưa TPHCM và Việt Nam cất cánh.
Một trong những kế hoạch mà TPHCM đang triển khai trong lộ trình hướng đến kinh tế xanh, bền vững là thí điểm xây dựng huyện Cần Giờ trở thành địa phương xanh. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, Chương trình hành động xây dựng Cần Giờ xanh cần mang tính bao trùm, đảm bảo tính đồng bộ về định hướng, nhiệm vụ phát triển Cần Giờ theo Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 26-9-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, với 6 nhóm nhiệm vụ sau cần đưa vào trọng tâm: Nhóm hành động quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ và trồng rừng gắn với tín chỉ carbon; cải thiện môi trường đô thị; phát triển giao thông xanh; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhà kính; triển khai xây dựng mô hình làng xanh, phát triển du lịch theo hướng bền vững; và phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ theo hướng kinh tế biển xanh.