Cụ thể, Tổng cục Thống kê tính đến ngày 20-9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54%, tức gấp 2,61 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc huy động vốn chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn cũng như gây lo ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành 2 lần liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng nhằm bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản và cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Ngày 31-10, ghi nhận của phóng viên Báo SGGP cho thấy, cuộc đua lãi suất tiền gửi ngày càng “nóng” dần khi trên thị trường đã xuất hiện mức lãi suất lên tới 11%. Cụ thể, Nam A Bank đang áp dụng sản phẩm tiền gửi Happy Future với lãi suất cao nhất lên đến 11%/năm ở kỳ hạn 9 tháng. Tuy nhiên, mức lãi suất 11%/năm chỉ áp dụng 3 tháng đầu tiên, 6 tháng còn lại chỉ được áp dụng ở mức 5,95%. Tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng này cũng ở mức cao là 9,9%, nhưng chỉ áp dụng trong 6 tháng đầu; kỳ hạn 18 tháng lãi suất 8,9%, nhưng chỉ áp dụng cho 12 tháng đầu; các tháng còn lại của các kỳ hạn đều áp dụng lãi suất ở mức 5,95%. Mức lãi suất trên áp dụng cho người gửi không được rút tiền trước hạn.
Ngân hàng NCB cũng công bố áp dụng lãi suất tiền gửi cao nhất lên tới 10,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng lãnh lãi cuối kỳ, nhưng chỉ áp dụng cho khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng trở lên; đồng thời khách hàng phải liên hệ trước và có sự đồng ý của ngân hàng mới được gửi.