Tăng trưởng "nóng" tạo ra sự mất cân đối trong du lịch
SGGPO
"Du lịch phát triển "nóng" tạo ra sự mất cân bằng trong cung - cầu" - đây là nhận định của Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh chỉ ra trong hội nghị triển khai công tác VH-TT-DL năm 2019 được tổ chức ngày 19-1 với 3 điểm cầu là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.
Du lịch cần xây dựng môi trường an toàn, công khai, minh bạch giá cả, dịch vụ...
Năm 2018, khách quốc tế đạt gần 15,5 triệu lượt khách, tăng 19,9% so với năm 2017, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 620 ngàn tỷ đồng, tăng 21,4%.
Với sự tăng trưởng ấn tượng của khách du lịch quốc tế, tại báo cáo Điểm nhấn Du lịch năm 2018 của Tổ chức Du lịch Thế giới, Việt Nam xếp thứ 3 trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất thế giới, là đại diện duy nhất của châu Á lọt vào danh sách 3/10 quốc gia có du lịch trải nghiệm tốt nhất thế giới. "Song kết quả chưa xứng với tiềm năng" - ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định.
Theo lãnh đạo Tổng Cục Du lịch, để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng lộ trình, ngành cần nỗ lực vượt qua thách thức, khắc phục tồn tại hạn chế trước mắt ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng cũng như các yếu tố lâu dài tác động đến phát triển bền vững.
Bên cạnh một số điểm nghẽn còn hạn chế tới kết quả phát triển du lịch cần tháo gỡ như chính sách thị thực, kết cấu hạ tầng đặc biệt là đường thủy và đường không; hợp tác liên kết phát triển các sản phẩm gắn với thị trường, quảng bá xúc tiến nhân lực… thì công tác quản lý nhà nước nổi rõ 2 vấn đề cần khắc phục, tháo gỡ ngay đó là công tác quản lý điểm đến và công tác quản lý dịch vụ du lịch, trong đó quản lý kinh doanh lữ hành, xử lý tour giá rẻ là các vấn đề thời sự hiện nay.
Năm 2018, khách quốc tế đạt gần 15,5 triệu lượt khách, tăng 19,9% so với năm 2017
Đối với công tác quản lý điểm đến du lịch, hiện đang nổi cộm các yếu tố về giá cả tăng đột biến vào thời kỳ cao điểm, còn có biểu hiện “chặt chém”, “lừa đảo” chất lượng dịch vụ không đúng với quảng cáo, an ninh chưa đảm bảo, vệ sinh môi trường chưa được quản lý chặt chẽ, hoạt động kinh doanh bán hành cho khách du lịch còn chưa được quản lý theo đúng quy định của pháp luật tạo khe hở cho nhiều thành phần xã hội lợi dụng, tác động tiêu cực…
Bên cạnh đó, công tác quản lý dịch vụ du lịch, hiện nay vấn đề quản lý kinh doanh lữ hành và tour giá rẻ đang là vấn đề gây “nổi cộm” dư luận xã hội và tác động xấu đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.
Để giải quyết tình trạng trên, trước mắt, trong năm 2019, theo ông Nguyễn Trùng Khánh ngành tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về tác động tích cực của du lịch tới nền kinh tế, xã hội; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong du lịch; công khai minh bạch giá cả, dịch vụ, thông báo rộng rãi các đơn vị vi phạm quy định về giá và các sản phẩm tương ứng; phối hợp chặt chẽ với các ngành công thương, công an, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm…
Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu lực hoạt động quản lý tại các địa phương; kiểm soát, quản lý tốt các điểm đến du lịch đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch.
Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai kế hoạch quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch, kiểm tra các doanh nghiệp lữ hành tại các địa phương. Đồng thời thực hiện chính sách kích cầu du lịch như tạo điều kiện thuận lượi cho khách du lịch đến Việt Nam; tăng cường nguồn lực để đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trong nước và quốc tế…