Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam do Tổ chức phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ KH-ĐT và Đại học Fullbright Việt Nam (FUV) đồng tổ chức đã diễn ra sáng nay, 5-11 tại Hà Nội.
Trình bày Báo cáo tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng 2022, TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT) lưu ý, vào thời điểm báo cáo được hoàn thiện (10-2021), Việt Nam vẫn đang chống chọi với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (kéo dài từ quý II/2021), đặc biệt là hai vùng động lực kinh tế phía Nam và phía Bắc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của cả nước.
Đánh giá tổng quan tình hình, TS Thắng nhấn mạnh, số liệu thống kê công bố trong quý III-2021 cho thấy nền kinh tế khó có thể phục hồi nhanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong quý III là nghiêm trọng. Quý IV-2021 cũng như đầu năm 2022 rất cần biện pháp cấp bách, nhất là các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, để đảm bảo khơi thông được những tắc nghẽn trong nền kinh tế.
“Đợt dịch lần thứ 4 cũng đã bộc lộ rất nhiều vấn đề trong phân cấp, quản lý điều hành cũng như sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân trong đại dịch”, ông Trần Toàn Thắng nhận định.
Trước những cơ hội và rủi ro cả bên trong và bên ngoài, theo nhóm nghiên cứu của Bộ KH-ĐT, kinh tế quý IV-2021 khó có khả năng phục hồi nhanh, và vì vậy tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam trong điều kiện tốt nhất sẽ vào khoảng gần 2%, khả dĩ hơn là khoảng từ 1,5-2%. Trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu do kiểm soát dịch bệnh, kinh tế 2021 có thể tăng trưởng ở mức khoảng 0,8%. Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh thuận lợi cả trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP được dự báo trong khoảng 5,8% và 6,7% trong kịch bản cao.
Từ đó, các chuyên gia kiến nghị, trong ngắn hạn cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát hợp lý Covid-19 kết hợp với gia tăng độ bao phủ vaccine. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn ngắn hạn vẫn cần được thực hiện khẩn trương, tuy nhiên cần chú ý về chi phí thực hiện chính sách, cũng như hiệu lực thực thi chính sách tương đối thấp hiện nay.
Trong dài hạn, cần chú ý cải thiện năng suất lao động, môi trường kinh doanh, đặc biệt, cần coi chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế như một cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới thể chế chính sách, thực thi nghiêm kỷ luật công vụ và có những điều chỉnh phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước. Các biện pháp thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cải thiện hạ tầng số và thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số là cần thiết. Đồng thời, tận dụng gói hỗ trợ để phát triển một số ngành mũi nhọn, cải thiện chuỗi cung ứng và phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.