Đầu tàu Đức suy giảm, Italy “suy thoái kỹ thuật”
Theo EC, tình trạng kinh tế Đức suy giảm đang trở thành mối lo đối với EU là do tác động của những yếu tố bên ngoài như căng thẳng thương mại và giảm sút trên các thị trường đang nổi, nhất là ở Trung Quốc. Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho biết, một trong những mối lo này là do nhu cầu ô tô nhập khẩu tại Trung Quốc giảm mạnh tác động tới cường quốc xuất khẩu ô tô này của châu Âu.
Đối với Italy, nền kinh tế lớn thứ ba trong Eurozone, EC dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2019 chỉ tăng trưởng 0,2%, giảm mạnh so với mức 1% đạt được trong năm 2018 cũng như thấp hơn nhiều so với mức dự báo 1,2% được EC đưa ra hồi tháng 11-2018. GDP của Italy đã bị giảm lần lượt 0,1% trong quý 3-2018 và 0,2% trong quý 4-2018, theo đó nền kinh tế Italy đã rơi vào tình trạng “suy thoái kỹ thuật” lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua.
Chi phí vay của Italy đã tăng mạnh trong nửa sau của năm 2018, giữa lúc các nhà đầu tư ngày càng tỏ ra quan ngại khả năng chính phủ nước này sẽ đẩy mạnh chi tiêu dù không có nguồn thu bổ sung để bù đắp cho gánh nặng nợ công đang ở mức 132% GDP, mức cao thứ hai ở châu Âu sau Hy Lạp. Giới phân tích cho rằng hoạt động kinh tế yếu kém của Italy đang làm dấy lên hoài nghi về khả năng của nước này trong việc thực hiện mục tiêu thâm hụt ngân sách 2,04% GDP trong năm 2019 theo kế hoạch đã nhất trí với EC hồi năm ngoái.
Trong báo cáo thường niên đề cập đến tình hình kinh tế Italy công bố ngày 6-2, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng các chính sách kinh tế của Chính phủ dân túy Italy có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin trên các thị trường, trong đó nhóm nghèo nhất sẽ là đối tượng chịu nhiều tác động nhất. Quốc gia này sau đó nhiều nguy cơ sẽ trải qua giai đoạn suy giảm tài chính đáng kể, khiến nền kinh tế suy yếu và rơi vào suy thoái.
Brexit gây tác động đến Anh
Cùng ngày 7-2, Ngân hàng Anh (BoE - ngân hàng trung ương) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm nay từ mức 1,7% xuống 1,2%, do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và ảnh hưởng của việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.
Theo BoE, tăng trưởng kinh tế Anh đã chậm lại vào cuối năm 2018 và có xu hướng yếu đi trong đầu năm 2019. Diễn biến này phản ánh sự giảm sút hoạt động ở nước ngoài, cũng như tác động lớn hơn từ những rủi lo liên quan đến Brexit.
Thống đốc BoE Mark Carney cảnh báo nền kinh tế Anh “chưa được chuẩn bị” cho tình huống Brexit không thỏa thuận. Thống đốc Mark Carney nhận định dù nhiều công ty đang thúc đẩy lập kế hoạch cho những sự kiện bất ngờ, song nền kinh tế nói chung vẫn chưa được chuẩn bị cho một sự chuyển tiếp mà không có thỏa thuận Brexit. Mối quan ngại về Brexit đang gây ra sự bất ổn trong ngắn hạn về số liệu kinh tế và nhiều căng thẳng trong kinh tế và thương mại.
Tháng 11 năm ngoái, BoE dự báo kinh tế Anh năm 2019 tăng trưởng 1,7%. Nếu dự báo của BoE thành sự thật, mức tăng trưởng 1,2% trong năm 2019 là mức tăng thấp nhất của kinh tế Anh trong một thập kỷ. Những quan ngại về Brexit cũng làm giảm nhu cầu tiêu dùng và khiến các doanh nghiệp hoãn đưa ra quyết định về các dự án mới.