Tăng trưởng cao chỉ có thể đến từ KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Chiều 11-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, muốn tăng trưởng thì phải tăng năng suất lao động, trên cơ sở phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao; GD-ĐT, KHCN là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho KHCN, GD-ĐT là đầu tư cho phát triển.

Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ với 142 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào để KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao thực sự là yếu tố đột phá, động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Thủ tướng cho biết, đã giao các cơ quan khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường khai mạc ngày 12-2, dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách mới khó khăn, vướng mắc cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đồng thời trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật KHCN tại kỳ họp tháng 5; tinh thần là rất khẩn trương, vừa chạy vừa xếp hàng để giải phóng tư duy, huy động mọi nguồn lực phát triển, ví dụ các nhà khoa học được kinh doanh sản phẩm mà mình đã sáng tạo, nghiên cứu ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, tất cả các ngành các cấp, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ; việc này cũng không dừng lại ở các cơ quan nhà nước, các đại học, viện nghiên cứu mà các doanh nghiệp cũng phải tiên phong, mọi người dân phải tham gia, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong quá trình này.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tổng hợp, trong đó nêu ra một số kiến nghị và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, cần nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn NVIDIA, tập trung vào dự án đầu tư đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo "luồng xanh" cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.

Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt tập trung vào giáo dục đại học, đào tạo ngắn hạn...

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị đẩy nhanh tiến độ thí điểm các chính sách đặc thù đối với hoạt động KHCN-đổi mới sáng tạo tại các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Đây là những địa phương đã có đầy đủ cơ chế, chính sách, có tiềm năng, lợi thế phát triển nội trội so với các địa phương khác, vì vậy các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, thí điểm các chính sách đặc thù đã được phê duyệt. Khi các cơ chế, chính sách đặc thù, tháo gỡ điểm nghẽn được thí điểm thành công tại các địa phương nêu trên sẽ là tiền đề để nhân rộng mô hình triển khai cho các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.jpg
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm, tăng trưởng truyền thống dần tới hạn, chúng ta vừa tăng trưởng trên 7%, nếu muốn tăng thêm từ 7-10% thì phải có các động lực tăng trưởng mới. Điều này chỉ có thể đến từ KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nông nghiệp đã giúp cho Việt Nam thoát nghèo, FDI, công nghiệp giúp cho Việt Nam thành nước thu nhập trung bình. Để trở thành nước thu nhập cao thì phải dựa vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bộ trưởng cho rằng, KHCN chỉ có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nếu như các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa. Để thúc đẩy thương mại hóa thì các kết quả nghiên cứu nên thuộc sở hữu của các cơ sở nghiên cứu thay vì của Nhà nước. Để kích thích sự sáng tạo của các nhà khoa học, kỹ sư thì nên cho họ hưởng một phần (khoảng 30-50%) kết quả thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nhà nước thu được thuế, tạo công ăn việc làm khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa.

Mặt khác, muốn phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần nhân lực chất lượng cao. Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các trường đại học cần thu hút được nghiên cứu, điều này cần Nhà nước, các doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu. Nhà nước cần có chương trình lớn đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học.

Đồng thời, “các tập đoàn thương mại dịch vụ lớn nên chuyển dịch thành các tập đoàn công nghệ công nghiệp thương mại và dịch vụ. Không làm công nghệ, không làm công nghiệp thì Việt Nam không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao”, Bộ trưởng Bộ TT-TT nêu.

Tin cùng chuyên mục