Tăng trách nhiệm, giảm phiền hà

Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, tổng giám đốc các cơ quan quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi tới bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và tổng giám đốc các cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc công bố, công khai, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận tại nơi cư trú.

Văn bản do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn ký ngày 9-3 nêu rõ đề nghị: Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, tổng giám đốc các cơ quan trên quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử; công điện của Thủ tướng về việc chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Cụ thể, khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú. Các bộ, ngành hoàn thành việc công bố, công khai các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có liên quan đến việc nộp, xuất trình các giấy tờ liên quan đến hộ khẩu, cư trú.

Đây sẽ là cơ sở để cho các địa phương công bố, công khai và thực hiện thống nhất, hiệu quả. Đồng thời, hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú. Kể cả trường hợp chứng minh nơi cư trú trước khi xác nhận giấy tờ như: sơ yếu lý lịch, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân... Tất cả các nhiệm vụ này được Văn phòng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải hoàn thành trước ngày 20-3.

Cùng với văn bản này, Văn phòng Chính phủ cũng đã liệt kê 48 danh mục các thông tư, quyết định cần rà soát, sửa đổi liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú. Ngoài ra là danh mục 267 thủ tục hành chính có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc giấy xác nhận cư trú được yêu cầu rà soát để bãi bỏ.

Đơn cử như Bảo hiểm xã hội Việt Nam có 2 thủ tục nhưng lại có tác động lớn tới nhiều người dân. Đó là thủ tục về cấp lại, đổi và điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế; truy lãnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người đã mất nhưng còn chế độ chưa nhận.

Trong khi đó, Bộ Công an có tới 32 thủ tục, Bộ Tư pháp có 25 thủ tục, Bộ Quốc phòng có 19 thủ tục, Bộ Giáo dục và Đào tạo có 16 thủ tục… 276 thủ tục này là vấn đề khiến người dân gặp nhiều khó khăn sau khi tiến hành bỏ quản lý sổ hộ khẩu.

Tại TPHCM, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TPHCM cho biết, qua kiểm tra, đa số cán bộ bộ phận một cửa ở TPHCM còn lúng túng, vẫn yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận thông tin cư trú (CT07, CT08) khi giải quyết xác nhận độc thân, đăng ký kết hôn, cấp điện, nước, tuyển sinh…

Ở nhiều tỉnh, thành khác, người dân cũng gặp khó khăn tương tự, trong khi việc xác minh tình trạng cư trú là nghĩa vụ của cán bộ tiếp nhận giải quyết thủ tục.

Có thể thấy, chính bộ thủ tục hành chính trong vấn đề xác minh nhân thân là nguyên nhân khiến việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 bị vướng mắc, gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Việc Văn phòng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải công khai và hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu về sổ hộ khẩu, giấy xác nhận cư trú để không gây phiền hà cho người dân (thực hiện Nghị quyết số 31 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023) cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính phục vụ.

Theo các chuyên gia, để hướng đến nền hành chính phục vụ, phải làm rõ được nhận thức của cán bộ, công chức tại 4 cấp để làm sao phục vụ người dân tiện lợi nhất; người dân cũng phải hiểu được sự tiện lợi được hưởng, giảm thời gian so với trước khi Đề án 06 được triển khai. Muốn tạo nhận thức như vậy, cán bộ, công chức phải có nhận thức đầy đủ về tinh thần phục vụ. Quan trọng hơn khi đã nhận thức đầy đủ thì các giải pháp phải thông minh, linh hoạt thì mới tạo được hiệu quả, nhất là niềm tin của xã hội, niềm tin của nhân dân vào quá trình hiện đại hóa nền hành chính.

Tin cùng chuyên mục