Việt Nam đứng thứ 2 đóng thuế hàng hóa tại Mỹ
Thống kê sơ bộ từ ngành hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Việt Nam đạt gần 31 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Việt Nam đang xuất siêu sang thị trường Mỹ hơn 24,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Riêng sản phẩm dệt may, mức tăng trưởng xuất khẩu đạt 8,74%; giày dép xuất vào Mỹ tăng 11,83%. Đây là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường may mặc Mỹ.
Các nhà bán lẻ và người tiêu dùng Mỹ nhận thấy được các điểm mạnh về chất lượng, giá cả và cam kết giao hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn nhận về khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng dệt may, da giày nói riêng vào thị trường Mỹ trong thời gian tới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Dệt xuất khẩu sang Hoa Kỳ tại Công ty dệt Thái Lan. Ảnh: Cao Thăng
Ông Nate Herman, Phó Giám đốc cấp cao Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) cho biết, hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam đang bị áp mức thuế cao hơn các nước phát triển khác như Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Thái Lan, Campuchia…
Thậm chí, có những dòng hàng hóa bị áp mức thuế trên 17% - 30%. Việt Nam đang xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa nói chung sang thị trường Mỹ với hơn 30,1 tỷ USD, nhưng lại đóng thuế đến 2,2 tỷ USD, đứng vị trí thứ 2 về nộp thuế trong tổng số các nước xuất khẩu hàng vào Mỹ.
Số tiền thuế hàng nhập khẩu xuất xứ từ Việt Nam phải đóng chiếm khoảng 10,11% trong tổng số tiền nước Mỹ thu thuế hàng nhập khẩu vào thị trường của mình. Trong khi đó, xét về giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng Nhật Bản vào thị trường Mỹ, Nhật Bản đang xếp thứ 4 với 89,2 tỷ USD - cao hơn rất nhiều so Việt Nam nhưng số thuế mà hàng hóa Nhật Bản phải đóng chỉ khoảng 1,5 tỷ USD - đứng vị trí thứ 3.
Còn các nước trong ASEAN cũng đang đóng mức thuế thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam, như Campuchia 278 triệu USD, Thái Lan 298 triệu USD hay Indonesia khoảng hơn 823 triệu USD.... Thực tế này đã làm tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt tại Mỹ.
Chủ động thích ứng với các rào cản kỹ thuật
Để có thể giữ vững, cũng như tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại thị trường thế giới nói chung và thị trường Mỹ nói riêng, trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình đàm phán của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do Á - Âu... để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Những diễn biến gần đây tại thị trường Mỹ cho thấy, Mỹ sẽ không thực hiện đàm phán song phương hay đa phương về các hiệp định thương mại tự do và sẽ thực hiện tái đàm phán lại các hiệp định thương mại theo hướng song phương.
Ngoài ra, Chính phủ Mỹ sẽ đẩy mạnh giải pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại, quản lý thương mại và thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, kết hợp với kích cầu sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và phát triển thị trường nội địa.
Do vậy, chúng ta cần nắm bắt nhanh, kịp thời những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ để phân tích, tận dụng tối đa những lợi thế ưu đãi cho phép. Từ đó, có những giải pháp thích hợp để hỗ trợ DN chuyển đổi sản xuất, chiến lược kinh doanh, nhằm duy trì ưu thế xuất khẩu vào thị trường này.
Mặt khác, Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa tiến trình xây dựng hệ thống pháp lý công bằng, minh bạch. Đây là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư FDI và tạo điều kiện thuận lợi cho DN nội phát triển.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn cho biết, các DN dệt may đang chuyển đổi hoạt động sản xuất nhằm bắt kịp nhu cầu thị trường hiện nay. Cụ thể, công ty đã thực hiện chuyển đổi sang gia công sản phẩm đa chi tiết, thay cho gia công đơn giản trước đây - đang bị cạnh tranh mạnh bởi các nước lân cận. Khâu thiết kế và cắt vải cũng được đầu tư dây chuyền tự động hóa để giảm chi phí.
Tương tự, Công ty Quốc tế Phong Phú, Công ty Việt Tiến… đã chuyển chiến lược đầu tư sang hướng tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm bằng thương hiệu của công ty. Đây được xem là hướng chuyển mình bền vững, có thương hiệu riêng khi đưa hàng dệt may Việt Nam ra thị trường thời trang thế giới.
Đã có nhiều DN dệt may chủ động đầu tư sản xuất theo chuẩn xanh, sạch, loại bỏ hóa chất độc hại trong sản phẩm sản xuất, đảm bảo các điều kiện như phải truy xuất nguồn gốc, kiểm soát quy trình đầu cuối sản phẩm, môi trường sản xuất kinh doanh đảm bảo tuân thủ an toàn cho người lao động, bảo vệ tài nguyên, nguyên liệu sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng...
Đây cũng là điều kiện quan trọng để đưa hàng Việt vào những thị trường cao cấp và khó tính. Tại hội thảo quốc tế về an toàn sản phẩm, ông Josue Solano, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành BBC International LLC lưu ý, DN cần liên tục cập nhật những thay đổi về quy định an toàn sản phẩm cần tuân thủ ở các thị trường mình đang xuất khẩu và bán hàng. Riêng tại Mỹ, tuy đã có danh sách về sử dụng hóa chất nhưng mỗi bang lại có thêm một số quy định riêng. Do đó, các DN Việt phải theo dõi và thực hiện kịp thời tất cả các quy định để không bị loại khỏi thị trường lớn này.