Theo đó, ngay trong tháng 1-2022, Tập đoàn Nam Việt dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 8.000 tấn thành phẩm cá tra các loại, sang khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng giá trị 20 triệu USD, tăng từ 60-70% so cùng kỳ.
Cùng với việc gia tăng mạnh về sản lượng xuất khẩu thì giá cá tra đợt này cũng tăng lên mức bình quân từ 2,6-2,7 USD/kg (cao hơn giá bình quân của năm 2021 là 2,3-2,4 USD/kg).
Theo ông Nghiệp, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá tra trên thế giới đang tăng, bởi thời gian qua, các doanh nghiệp chưa thể xuất khẩu nhiều được do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, cộng với việc vận chuyển khó khăn…
“Thuận lợi hiện nay là nguồn nguyên liệu của tập đoàn khá ổn định nhờ vùng nuôi rộng tới 1.000ha; cùng với lực lượng công nhân trở lại làm việc đầy đủ, tất cả đều được tiêm vaccine ngừa Covid-19, nên tập đoàn đẩy mạnh chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, cái khó vẫn là cước phí tàu còn cao và thiếu container nên việc xuất khẩu đôi khi bị chậm. Tới đây, nếu khắc phục được tình trạng này thì các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ dễ dàng hơn…”, ông Nghiệp nói.
Nhờ xuất khẩu thuận lợi, nên giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tăng lên 24.000 đồng/kg, với mức giá này đối với những hộ nuôi ít hao hụt sẽ đảm bảo có lãi.
Theo HTX thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp), với chiều hướng xuất khẩu đầu năm khởi sắc, hy vọng thời gian tới, giá cá tra tiếp tục nhích lên; chỉ cần duy trì mức từ 25.000- 26.000 đồng/kg trở lên thì người nuôi cá ở ĐBSCL an tâm đầu tư sản xuất.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, năm 2021, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt khoảng 1,5 tỷ USD, tăng nhẹ so năm 2020; dự báo xuất khẩu cá tra của năm 2022 phấn đấu đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 13%...