Mặc dù chưa có thống kê chính thức từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tăng trưởng tín dụng nhưng báo cáo tình hình kinh tế tháng 2-2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tính hết tháng 1, cho vay đối với tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 1% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong 5 năm gần đây và đã không còn tình trạng âm tín dụng trong những tháng đầu năm.
Nhân viên ngân hàng tư vấn tín dụng cho khách hàng. Ảnh: HUY ANH
Tăng trưởng mạnh gây áp lực lên lãi suất
Thực hiện Chỉ thị số 01 của NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017, ngay trong những tháng đầu năm, các ngân hàng đã đẩy mạnh các gói tín dụng cho vay vào nhiều lĩnh vực, chủ yếu hướng vào sản xuất kinh doanh. Cụ thể, từ ngày 14-2 đến hết 31-7-2017, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) triển khai gói vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng với lãi suất từ 5,5% - 8%/ năm cho các khách hàng doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay ngắn hạn hay trung dài hạn để bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư mua trang thiết bị, nhà xưởng, kho hàng, phương tiện vận chuyển và hỗ trợ 100% nhu cầu vốn vay của khách hàng. Bên cạnh lãi suất ưu đãi, DongA Bank còn mở rộng đối tượng cho vay là hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, DN nhỏ và siêu nhỏ trên toàn quốc; nhận thế chấp đa dạng các tài sản bảo đảm để cho vay, như tài khoản tiền gửi, sổ tiết kiệm, bất động sản, sạp chợ…, với thủ tục vay đơn giản. Ngân hàng TMCP Xây dựng (CB) cũng đã đưa ra thị trường 7 gói lãi suất hấp dẫn dành cho tất cả các dòng sản phẩm cho vay, với mức lãi suất thấp nhất chỉ từ 6,5%/năm. Tương tự, Ngân hàng OCB đang dành 3.000 tỷ đồng với lãi suất từ 5,99%/năm, được áp dụng cho nhiều mục đích vay vốn như vay sản xuất kinh doanh, mua bất động sản, sửa chữa nhà…
Việc tăng trưởng tín dụng có tốc độ cao hơn huy động là một trong những nguyên nhân tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua. Sau Tết Nguyên đán, hàng loạt các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động VND ở cả kỳ hạn ngắn và dài, tăng từ 0,2% đến hơn 1%/năm so với thời điểm trước tết. Thậm chí, một số ngân hàng vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi VND với lãi suất lên đến hơn 9%/năm để hút tiền nhàn rỗi trong dân. Báo cáo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho thấy, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tính đến 31-1-2017 đạt khoảng 8,73 triệu tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2016. Trong đó, khu vực ngân hàng tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu, chiếm 61,5% tổng cung ứng vốn từ thị trường tài chính.
Tín dụng “chảy” vào bất động sản
Mặc dù Thông tư 06 của NHNN quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 50% và nâng hệ số rủi ro tăng từ 150% lên 200% từ đầu năm 2017 nhưng dòng vốn vẫn “chảy” vào thị trường bất động sản. Không ít ngân hàng thương mại đã đặt chiến lược phát triển tín dụng trong năm 2017 là tập trung cho vào thị trường nhà đất, đặc biệt là cá nhân có nhu cầu vốn mua nhà để ở. Ghi nhận thị trường cho thấy, các sản phẩm tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng vẫn tập trung chủ yếu là khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua, sửa chữa nhà. Cụ thể, Ngân hàng VietBank với sản phẩm cho vay sinh hoạt tiêu dùng, trong đó có cho cá nhân vay mua, sửa chữa nhà hạn mức vốn cấp lên đến 500 triệu đồng. Mới đây, Ngân hàng HDBank vừa cung cấp gói ưu đãi cho các khách hàng vay vốn mua căn hộ hợp túi tiền với lãi suất chỉ từ 7,5%/năm, hạn mức vay lên đến 75% giá trị căn hộ, thời hạn vay tới 30 năm, thời gian ân hạn vốn gốc đến 24 tháng…
Thống kê từ NHNN chi nhánh TPHCM cũng cho thấy, tính đến hết tháng 2-2017, tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm 2016 và tăng 19,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, doanh số giải ngân lũy kế của các ngân hàng đến cuối tháng 1-2017 đạt 7.375 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 1.396 tỷ đồng; 10.762 khách hàng còn dư nợ 5.980 tỷ đồng, trong đó 8 dự án còn dư nợ 877 tỷ đồng, phần dư nợ còn lại là của khách hàng cá nhân và hộ gia đình. Điều đáng lưu ý, tỷ trọng cho vay bất động sản của các ngân hàng chiếm 10% dư nợ (giảm 4%), trong khi tỷ lệ cho vay tiêu dùng chiếm 10% dư nợ (tăng 4%). Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đang có xu hướng giảm nhưng cho vay tiêu dùng tăng lên, bao gồm cho cá nhân vay mua nhà đất, sửa chữa nhà.
Thông tin từ các ngân hàng cho biết, việc đẩy vốn ra thị trường từ đầu năm khá tốt, đặc biệt là giải ngân từ các gói cho vay ưu đãi. Theo một lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, ngành ngân hàng đã điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý ngay từ đầu năm, hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, ngành, lĩnh vực tạo tăng trưởng, xuất khẩu và giải quyết việc làm. |
HẠNH NHUNG