Thực tế, TPHCM công bố dịch sởi vào ngày 27-8 nhưng công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vaccine đã diễn ra từ trước nhằm đảm bảo sẵn sàng triển khai nhanh nhất. Trong đó, có nhiều công đoạn như rà soát thống kê đối tượng trẻ nhỏ, đặt mua vaccine MR (phòng sởi - rubella), tập huấn…
Riêng công tác điều tra, lập danh sách đối tượng tiêm chủng (trẻ từ 1-5 tuổi) được giao cho các quận, huyện thực hiện trong 1 tháng qua. Thế nhưng, việc rà soát, lập danh sách đối tượng tiêm chủng lại không đạt yêu cầu và đang là một nút thắt quan trọng - điều này được chỉ rõ trong cuộc họp giao ban phòng chống dịch do UBND TPHCM tổ chức vào chiều 5-9. Tại sao lại như vậy?
Theo quy định, từ năm 2015, trẻ nhỏ chào đời đều được cấp một mã số tiêm chủng và quản lý trên Hệ thống tiêm chủng quốc gia. Các trạm y tế quản lý trẻ dựa trên địa chỉ cư trú tương ứng ở phường xã đó. Trường hợp trẻ thay đổi nơi ở sẽ phải cập nhật trên hệ thống để trạm y tế (nơi trẻ đến) biết, quản lý. Phục vụ chiến dịch tiêm vaccine sởi, ngành y tế TPHCM đã truy xuất từ Hệ thống tiêm chủng quốc gia số lượng trẻ nhỏ theo từng quận huyện, xem đây là con số gốc để xác lập danh sách đối tượng tiêm chủng.
Tuy nhiên, đó là con số trên máy. Trên thực tế, TPHCM là địa phương có tình trạng di biến động dân cư rất lớn nên danh sách muốn chuẩn xác nhất thì phải được điều tra thực tế, tránh bỏ sót đối tượng, đặc biệt là nhóm trẻ mới chuyển đến mà chưa được cập nhật ở trạm y tế.
Vậy mà sau 1 tháng thực hiện, vẫn còn 17 quận huyện lập danh sách đối tượng tiêm chủng chưa đạt được 80% số trẻ trong danh sách quản lý từ hệ thống tiêm chủng, chưa nói đến số trẻ phát sinh trên thực tế. Do đó, hiển hiện nguy cơ rất lớn là bỏ sót đối tượng tiêm chủng, đặc biệt ở nhóm trẻ chưa đến tuổi đi học hoặc không được đến trường.
TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, lo ngại, nếu chỉ thống kê số mũi tiêm đạt được (tử số) mà không biết chính xác số lượng trẻ cần tiêm (mẫu số) thì không thể đánh giá tiến độ và hiệu quả. Hiện nay, 73% số ca sởi của TPHCM tập trung ở 6 quận huyện vùng ven, nơi di biến động dân cư rất cao nên cần khẩn trương rà soát nhóm trẻ ở các địa phương này, tập trung nguồn lực ưu tiên giải quyết “điểm nóng” dịch sởi. TS Nguyễn Vũ Thượng cho rằng, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” chính là trách nhiệm của chính quyền sở tại.
Có thể nói, hiệu quả của công tác điều tra này sẽ phần nào đánh giá được mức độ quyết liệt của mỗi quận huyện trong phòng chống dịch sởi, đồng thời là “bài thi thử” với những dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trong tương lai. Cần lưu ý thêm, TPHCM là địa phương duy nhất có lực lượng cộng tác viên sức khỏe cộng đồng - cánh tay nối dài của trạm y tế. Đây là thời điểm hơn 13.000 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng phát huy giá trị với cộng đồng.
Thời điểm hiện tại, bên cạnh gấp rút hoàn thiện danh sách tiêm chủng, việc mời trẻ đi tiêm cũng cần tăng tốc hết sức để chạy đua với “đám cháy” dịch sởi đang lan nhanh từng ngày. Mọi sự chậm trễ có thể phải trả giá bằng sức khỏe của trẻ em sẽ là cái giá quá đắt không gì bù đắp được.