Báo cáo của UBND TPHCM cho thấy, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp cung ứng nguồn hàng, hình thành thêm các kênh bổ trợ cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho người dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá, khan hiếm hàng hóa, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận hàng hóa với chất lượng và giá cả hợp lý.
Thời gian tới, UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, tình hình cung - cầu hàng hóa, triển khai các biện pháp giám sát, quản lý giá, ổn định giá cả trên địa bàn thành phố; tổ chức phương án hoạt động trở lại đối với 3 chợ đầu mối trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch với lộ trình, cách thức và biện pháp tổ chức phù hợp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đánh giá, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, mặc dù đã cơ bản kiểm soát nhưng thành phố phải thận trọng, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế trong điều kiện an toàn. Trên tinh thần đó, các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các doanh nghiệp, hệ thống phân phối tiếp tục tính toán xây dựng các kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh để ứng phó phù hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong công tác quản lý nhà nước, tham mưu chính sách; đồng thời khẩn trương xây dựng các kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2025.
Thành phố khuyến khích các thương nhân phân phối, doanh nghiệp sản xuất hưởng ứng tham gia các chương trình khuyến mại tập trung nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo cú hích mua sắm lớn trên địa bàn thành phố, giúp gia tăng sức mua, thúc đẩy kinh tế thành phố; đồng thời tạo nét đặc trưng riêng với thương hiệu “Mùa mua sắm thành phố Hồ Chí Minh” định kỳ hàng năm. Trước mắt, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối tập trung tăng tốc sản xuất, kích hoạt ngay từ bây giờ phương án cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 và kết nối chuỗi cung ứng bị đứt gãy đối với các tỉnh thành.