Nhật Bản, Indonesia, Singapore và nhiều quốc gia khác đang chạy đua để tận dụng AI như một công cụ thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh trong nền kinh tế số. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba vừa công bố kế hoạch phát triển và sử dụng AI, nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ này trong việc cải thiện năng suất lao động tại Nhật Bản. Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc khiến giới công nghệ bất ngờ khi giới thiệu mô hình AI DeepSeek có hiệu suất ngang bằng với ChatGPT nhưng chi phí phát triển chỉ bằng một phần nhỏ so với các đối thủ Mỹ.
Không chỉ Nhật Bản, Đông Nam Á cũng đang đặt mục tiêu trở thành khu vực dẫn đầu về AI. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhận định AI có thể đóng góp từ 10% đến 18% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực, tương đương khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Trong năm 2024, GDP khu vực tăng trưởng 4%, tăng mạnh so với mức 1,1% của năm 2023, tạo ra một môi trường kinh tế thuận lợi để đón nhận làn sóng đầu tư vào AI và công nghệ số. Trong nửa đầu năm 2024, Đông Nam Á đã thu hút hơn 30 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI, với các gã khổng lồ công nghệ như Microsoft, Google và Amazon cam kết bơm thêm 50 tỷ USD vào lĩnh vực này.
Các quốc gia trong khu vực đang đẩy nhanh quá trình số hóa để tận dụng cơ hội từ AI, đồng thời thiết lập các chính sách nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Việc thúc đẩy quan hệ đối tác khu vực và nâng cao năng lực công nghệ sẽ giúp Đông Nam Á trở thành một trung tâm đổi mới AI quan trọng trên thế giới. Trong số các nước Đông Nam Á, Indonesia đang tập trung xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số bền vững để thúc đẩy đổi mới và phát triển AI. Nước này hiện là điểm đến đầu tư kỹ thuật số lớn thứ hai trong ASEAN, với nền kinh tế kỹ thuật số ước tính đạt 90 tỷ USD vào năm 2024. Thương mại điện tử cũng tăng mạnh, chiếm 40% thị phần khu vực. Nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và đổi mới AI, Chính phủ Indonesia tích cực tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác liên ngành để tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu. Ngoài ra, Indonesia đang đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế kỹ thuật số độc lập vào năm 2045, với một không gian kỹ thuật số an toàn, toàn diện và đáng tin cậy để hỗ trợ sự phát triển bền vững.
Với nền kinh tế năng động hàng đầu thế giới, Singapore dĩ nhiên không đứng ngoài cuộc. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong nhấn mạnh vai trò của AI và chuyển đổi số trong việc định hình tương lai kinh tế của quốc đảo. Singapore đang tận dụng xu hướng này bằng cách nâng cấp các hiệp định thương mại tự do và tăng cường quan hệ đối tác khu vực để thúc đẩy thương mại kỹ thuật số và xanh. Chính phủ cũng đang triển khai chương trình SMEs Go Digital nhằm hỗ trợ 15.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các giải pháp AI trong hai năm tới. Song song với đó, Singapore đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực AI, với mục tiêu đào tạo 15.000 học viên và đào tạo lại 18.000 chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực này. Đầu tư vào điện toán đám mây, blockchain và an ninh mạng cũng đang được đẩy mạnh để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Singapore trên thị trường toàn cầu.
Có thể nói, AI đang trở thành một yếu tố quyết định trong cuộc cạnh tranh kinh tế và công nghệ tại châu Á. Vì lẽ đó, các quốc gia trong khu vực không ngại đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này, vừa để nâng cao năng suất, vừa để củng cố vị thế trên bản đồ công nghệ toàn cầu.