Tăng tốc những giải pháp phát triển kinh tế số

Thời gian qua, TPHCM đẩy mạnh nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế số phát triển. Theo đo lường hệ số lan tỏa của Bộ TT-TT, tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP của TPHCM năm 2023 là 21,5%, tăng 2,84% so với năm 2022. Dự kiến thành phố sẽ đạt chỉ tiêu kinh tế số 25% vào năm 2025.

Trong khi đó, nếu theo cách đo lường GDP/GRDP kinh tế số của Tổng cục Thống kê, vốn theo giá hiện hành được ước tính từ tỷ lệ số hóa của các ngành dựa vào tỷ lệ chi phí ứng dụng công nghệ, truyền thông so với giá trị sản xuất, thành phố cũng vượt trội mức bình quân cả nước. Cụ thể, năm 2023, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số TPHCM trong GRDP là 15,85%, trong khi cả nước chỉ 12,33%.

Điều đó cho thấy, dù với công cụ đo lường nào, TPHCM cũng là trung tâm của kinh tế số. Trong đó, thương mại điện tử đã ghi dấu là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất trong nhóm ngành dịch vụ vào GRDP của thành phố, chiếm tỷ trọng 14%.

Thị trường thương mại điện tử TPHCM có quy mô và tốc độ tăng trưởng lớn với 37%. Đặc biệt, với năm chủ đề 2024 là quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, thành phố đã và đang huy động toàn bộ nguồn lực xã hội dự phần cuộc “cách mạng” chuyển đổi số.

Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên khi trong nhiều năm liền, TPHCM luôn dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số chuyển đổi số DTI, trong đó lần lượt các bảng chỉ số thể chế số, hạ tầng số (xếp thứ 1), hoạt động chính quyền số (thứ 2), hoạt động kinh tế số (thứ 4)…

Vì vậy, với mục tiêu đạt 23% trong năm 2024, 25% trong năm 2025 về tỷ trọng kinh tế số (theo phương pháp tính của Bộ TT-TT), TPHCM nên kích hoạt đồng bộ và quyết liệt tăng tốc các nhóm giải pháp đi cùng kế hoạch tổ chức thực hiện theo từng “bảng phân vai” trách nhiệm.

Thứ nhất, về hạ tầng số, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng dữ liệu, gồm các trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây đạt tiêu chuẩn quốc tế, an toàn, bền vững, theo tiêu chuẩn xanh (hiện có 4 dự án tại Khu Công nghệ cao, huyện Củ Chi có thể khởi công trong năm 2024-2025 nếu các thủ tục được đẩy nhanh). Việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng số gắn với tăng cường các tiện ích của người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào thị trường thương mại điện tử, cải thiện hạ tầng thanh toán và logistics… Đặc biệt áp dụng Nghị quyết 98 ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân để thu hút các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong việc thiết kế, sản xuất các sản phẩm công nghệ số có hàm lượng công nghệ cao…

Thứ ba, những thí điểm của thành phố nên được sơ kết, tổng kết để rút ra những kinh nghiệm thực tế, như một vài mô hình thành phố thông minh tại quận 1, 7, TP Thủ Đức đã có một số kết quả ban đầu hay khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung với trọng tâm về công nghiệp điện tử, công nghiệp viễn thông phần mềm và gần đây nhất là chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của thành phố...

Tin cùng chuyên mục