CCS thu hồi CO2 khỏi bầu khí quyển và được bơm vào dưới lòng đất, thường là trong các mỏ dầu và khí đã khai thác cạn. EU xem CCS là một trong những biện pháp chính để thực hiện mục tiêu hoàn toàn không có khí thải nhà kính vào năm 2050. Ủy ban châu Âu vừa đưa CCS vào Đạo luật Công nghiệp Net-Zero (NZIA). Đạo luật nhắm đến các công nghệ năng lượng tái tạo và ít carbon bao gồm năng lượng mặt trời và gió, sản xuất nhiên liệu thay thế bền vững, thu giữ và lưu trữ carbon,...
Theo NZIA, EU đặt mục tiêu ràng buộc về khả năng lưu trữ 50 triệu tấn CO2 hàng năm vào năm 2030. Lượng CO2 này sẽ được lưu giữ tại “các địa điểm lưu trữ chiến lược” trên toàn khối, với các nhà sản xuất dầu khí bắt buộc phải đóng góp vào mục tiêu này.
Biển Bắc, nơi từng cung cấp dầu và khí đốt dồi dào cho châu Âu, có thể cung cấp không gian rộng rãi để lưu trữ khí thải trong tương lai. Theo Bloomberg, khả năng lưu trữ CO2 ở Biển Bắc là hơn 200 tỷ tấn. Con số này gấp hơn 5 lần tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu vào năm 2022 (37 tỷ tấn), đủ để lưu trữ sản lượng CO2 của châu Âu trong nhiều thập kỷ tới.
Ngành CCS ở Mỹ cũng đang trên đà phát triển mạnh, phần lớn nhờ vào quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc cung cấp cho các doanh nghiệp khoản tín dụng 85 USD cho mỗi tấn CO2 được lưu trữ. Bên cạnh đó, còn có Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Tổng thống Biden, được thông qua vào năm 2022 và được mô tả là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho các công nghệ sạch ở Mỹ. Các chuyên gia về khí hậu cảnh báo EU về khả năng IRA có thể thu hút vốn và các dự án ra khỏi châu Âu, trừ khi khối này tìm ra cách tạo ra một nền tảng thuận lợi không kém cho đầu tư và phát triển dự án CCS.
Nhiều tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ như ExxonMobil, Chevron cho biết IRA “củng cố hơn nữa” cam kết của họ đối với việc lưu trữ CO2, đồng thời gia tăng đầu tư vào CCS. Trong đó, dự án Baytown đặt tại Houston với nhiều ngành tham gia, có thể thu và lưu trữ 50 triệu tấn CO2/năm vào năm 2030 và 100 triệu tấn vào năm 2040.