Giảm lợi nhuận, trợ giá…
Trước xu hướng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, chỉ mua sắm mặt hàng thiết yếu, nhiều DN đã cân đối lại bài toán tài chính, cắt giảm lợi nhuận, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, hỗ trợ người tiêu dùng… Về phía người mua, việc săn hàng giảm giá đang được áp dụng triệt để cân đối việc chi tiêu. Cuối tuần qua, chị Phan Thị Ngọc Trâm, tạm trú trên đường Cửu Long (quận 10, TPHCM) đã dành cả buổi để lựa đồ khuyến mãi tại các siêu thị trên địa bàn như Co.opmart, Vạn Hạnh Mall, Big C Miền Đông… Tuy nhiên, chị Ngọc Trâm chia sẻ: “Danh mục mua được tôi ghi sẵn ra giấy, gồm đồ ăn, thức uống thường dùng, vài món hàng gia dụng như khăn giấy, giấy vệ sinh, nước giặt… Nhìn chung, các mặt hàng có mức giá cạnh tranh, giảm từ 3.000 - 20.000 đồng/món tùy loại, tôi mới mua”. Hiện tại, hệ thống Co.opmart đang giảm giá 15% đối với các mặt hàng táo, cam nhập khẩu, chỉ còn 66.000 - 98.000 đồng/hộp 3-4 trái; dầu đậu nành Simply 5 lít giá 280.000 đồng/chai; dầu Nakydaco 1 lít giá 37.500 đồng/chai… Hệ thống các siêu thị như MM Mega Market, Go!, BigC, điện máy Nguyễn Kim, Aeon Mall cũng có nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng.
Đơn cử, hệ thống Trung tâm thương mại Vincom đang có chương trình giảm giá, ưu đãi hè lên tới 70% tùy sản phẩm, bắt đầu từ ngày 5-6 đối với các thương hiệu thời trang quốc tế như Zara, Pull&Bear, Stradivarious… Đáng chú ý, một số cửa hàng quần áo thời trang, mỹ phẩm rao bán sản phẩm trên các trang mạng xã hội với mức giá giảm từ 15-100%.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho hay: “Chúng tôi luôn đồng hành cùng Chính phủ trong việc bình ổn giá, kiềm chế lạm phát thông qua chương trình Giá luôn luôn rẻ hơn với hơn 1.000 sản phẩm giá rẻ từ nay đến cuối năm 2023”.
Ngoài các chương trình khuyến mãi nói trên, Sở Công thương TPHCM thông tin thêm, Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và dịp Tết Giáp Thìn 2024, thu hút khoảng 44 DN tham gia, với nhiều nhóm hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, đặc sản vùng miền, mặt hàng phục vụ học tập…, trong đó có nhiều DN quy mô lớn, có thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao. Lượng hàng bình ổn thị trường năm 2023 tăng 3% - 5% so năm 2022; chiếm từ 23% - 31% thị phần trong tháng bình thường, chiếm từ 25% - 43% nhu cầu thị trường trong tháng tết, đủ sức điều tiết thị trường…
Thị trường hấp dẫn
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, thị trường nội địa có quy mô hơn 100 triệu dân với mức sống ngày càng tăng chính là “miếng bánh” hấp dẫn DN. Điều này càng được khẳng định rõ qua số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung quý 1-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nước ta ước đạt 1.505 ngàn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Thực tế cho thấy, nhiều DN trong nước như Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), gốm Bát Tràng… thời gian qua cung ứng cho thị trường nhiều dòng sản phẩm mới, đa dạng chủng loại. Đến nay, Biti’s có 156 cửa hàng tiếp thị và hơn 1.500 trung gian phân phối bán lẻ, với sản lượng hàng năm trên 20 triệu đôi giày thể thao, giày tây… đủ loại phục vụ thị trường trong nước và quốc tế (Anh, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…). Ở Việt Nam, giá bán dao động từ vài trăm ngàn đến 1,4 triệu đồng/đôi giày tùy sản phẩm, chỉ bằng khoảng 60% giá so với nhiều thương hiệu giày nước ngoài cùng loại. Còn với Công ty cổ phần Không gian gốm Bát Tràng, ông Lê Trung Liêm, Giám đốc điều hành, cho biết: “Thị trường Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm gốm sứ từ Nhật Bản, Trung Quốc… Để tồn tại và giữ được nét truyền thống của gốm Việt, chúng tôi đã xây dựng chiến lược dài hơi là phải tạo ra các sản phẩm tinh xảo, chất lượng và giá cả phù hợp với nhu cầu khách hàng trong nước”.
Tuy vậy, muốn bám trụ và thành công trên sân nhà, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch CLB Doanh nhân Nam Định, cho rằng, DN cần phải có chiến lược, kế hoạch kinh doanh bài bản, phát triển một cách bền vững, trong đó, cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa để “phủ sóng” thị trường. Vì người tiêu dùng nội địa ngày càng yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm trong nước. Đồng quan điểm này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định, thị trường nội địa đang là bệ đỡ cho các DN Việt. Nhưng yêu cầu đặt ra là sản phẩm phải minh bạch nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp… mới thu hút được khách hàng.
* Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Vina CHG, kiêm Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM: Chặn hàng “dỏm” để bảo vệ khách hàng, DN
Đánh giá sơ bộ từ cơ quan chức năng, cứ thương hiệu nào nổi tiếng thì sau đó sản phẩm của họ bị làm giả, làm nhái. Bằng chứng, ở các miền quê hoặc khu vực vùng ven TPHCM, nhiều thương hiệu bánh kẹo, mỹ phẩm… có mẫu mã, bao bì giống hệt hàng nổi tiếng, nhưng giá bán gần bằng hàng thật. Do vậy, các DN cần chủ động bảo vệ thương hiệu, bằng cách chỉ cho khách hàng nhận biết sản phẩm thật - giả; cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả. Về phía người tiêu dùng, phải quyết liệt tẩy chay và nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng…