Theo tờ Nikkei, ủy ban trên có thể sẽ được ra mắt trong thời điểm diễn ra sự kiện Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 7 (TICAD7) vào tháng 8 tới tại TP Yokohama của Nhật Bản, với sự tham gia của các quan chức hàng đầu Nhật Bản và các nước châu Phi. Hoạt động theo cơ chế phối hợp công - tư giữa chính phủ và các công ty Nhật Bản hiện đang hoạt động tại châu Phi, ủy ban này có chức năng tham mưu cho Chính phủ Nhật Bản những biện pháp nhằm tăng cường đầu tư vào lục địa đen, bao gồm việc soạn thảo những hiệp định đầu tư song phương và đa phương cũng như các thỏa thuận về ưu đãi thuế đầu tư. Ủy ban thường trực này cũng sẽ tổ chức một cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư dành riêng cho khối doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản mong muốn đầu tư vào châu Phi với sự tham gia của các quan chức và doanh nghiệp hai bên.
Châu Phi sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là các loại quặng quý như cobalt và platinum cùng trữ lượng dầu thô và khí đốt khổng lồ. Châu lục gồm 55 quốc gia với tổng GDP 2.500 tỷ USD này đang thu hút sự chú ý đáng kể của nhiều cường quốc hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và cả Liên minh châu Âu (EU).
Không muốn chậm chân
Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, hiện chỉ được xem là “người đến sau”, khi tổng số vốn đầu tư của nước này vào châu Phi chỉ bằng 1/7 so với Mỹ, 1/6 so với Anh, trong khi Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào châu lục này với tổng số vốn ước tính tới hơn 200 tỷ USD.
Năm 2018, Anh, Mỹ, Nga và EU đã đưa ra các chiến lược mới đối với châu Phi, trong khi Trung Quốc, Đức và Ấn Độ đã điều chỉnh chiến lược của các nước này đối với lục địa đen. Tháng 8-2018, lần đầu tiên kể từ năm 2013, một thủ tướng Anh công du tới châu Phi. Các kế hoạch của London cho thấy Anh sẽ tổ chức hội nghị đầu tư châu Phi năm 2019 và tham vọng trở thành nhà đầu tư G7 hàng đầu ở lục địa đen. Kế đến, Nga xuất hiện tại Cộng hòa Trung Phi năm 2018 với thỏa thuận bán vũ khí, đội quân đánh thuê và chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đầu tiên sẽ được tổ chức vào năm 2019. Tờ Forbe dẫn lời các nhà phân tích nhận định, sự tăng tốc trong đầu tư sắp tới cho thấy Nhật Bản đang cố gắng bắt kịp Trung Quốc. Mặc dù đang bị tụt lại ở phía sau, nhưng Nhật Bản đang tận dụng lợi thế về chất lượng của các dự án. Trong khi sức mạnh của Trung Quốc nằm ở mô hình do chính phủ lãnh đạo và quy mô vốn. Trung Quốc dẫn đầu vì các dự án lớn được nhà nước hỗ trợ.
Nhật Bản xuất hiện đầu tiên ở châu Phi vào năm 2004 với những đầu tư cho sức khỏe, giáo dục và phát triển xã hội cho lục địa nghèo. Giới phân tích cho rằng, các khoản đầu tư của Nhật Bản hoạt động tốt hơn và đi kèm với các tiêu chuẩn xã hội cao hơn so với các sản phẩm tương đương của Trung Quốc. Nhật Bản hiện có 440 công ty đang hoạt động kinh doanh tại châu Phi trên nhiều lĩnh vực gồm sản xuất, thương mại, bán lẻ và xuất nhập khẩu. Nhật Bản đã đến với trò chơi đầu tư muộn so với người Trung Quốc và giờ đây đã chuyển từ tập trung duy nhất vào xây dựng năng lực của con người sang cơ sở hạ tầng và đầu tư kinh tế.
Năm 2019 dự kiến cũng sẽ chứng kiến sự kết nối rộng hơn giữa các khu vực của châu Phi với các đối tác thuộc châu lục khác. Năm 2019, vùng Sừng châu Phi và Đông Phi sẽ hướng tới châu Á và Trung Đông do các khoản đầu tư, bối cảnh chính trị và quyền lực mềm.