Tạo xu hướng trong cộng đồng doanh nghiệp
Hiện nay, khi mua sắm trên nhiều sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Shopee… người tiêu dùng sẽ dễ dàng bắt gặp các sản phẩm nông sản gắn nhãn OCOP 3-4 sao của TPHCM. Theo chia sẻ của các DN, việc đưa sản phẩm lên các “chợ mạng” khiến hoạt động kinh doanh của họ tốt hơn, còn người tiêu dùng thì dễ dàng mua sản phẩm mà không cần phải đến trực tiếp cửa hàng như trước đây.
Ông Lư Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, dự đoán, thời gian tới kênh thương mại điện tử sẽ bán vượt kênh truyền thống. Do vậy, DN đang từng bước tiếp cận các hệ thống phân phối thương mại điện tử để đặt vấn đề làm sao đưa sản phẩm phủ hết các sàn này với mục tiêu để người dân dễ tìm mua các sản phẩm OCOP chất lượng. “Hiện tại, doanh thu qua kênh thương mại điện tử của chúng tôi đang chiếm từ 20-35% trong tổng doanh thu. Dự kiến sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn để tăng doanh thu từ kênh bán hàng này”, ông Vũ cho biết.
Thực tế, không riêng tập đoàn Xuân Nguyên, rất nhiều DN khác trên địa bàn như Công ty Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa), Công ty Xuất nhập khẩu Thiên nhiên Việt… cũng nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP lên “chợ mạng” để tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn. Theo các DN này, việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử giúp khách hàng dễ dàng ngồi tại nhà chọn mua sản phẩm và được giao hàng tận nơi. Điều phấn khởi hơn là DN thông qua đó tiếp cận được thêm nhiều khách hàng mới từ khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Được địa phương hỗ trợ mạnh mẽ
Ở thời điểm hiện tại, việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử đã quá quen thuộc với người tiêu dùng, nhất là sau giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Nhận thức được tầm quan trọng của việc này, thời gian qua, Sở NN-PTNT TPHCM đã đẩy mạnh đưa nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, giúp nông dân, đơn vị sản xuất giới thiệu trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng. Cụ thể, ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại, Sở NN-PTNT TPHCM còn hỗ trợ về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, phát triển thương hiệu, ứng dụng thương mại điện tử trong việc mở rộng thị trường như xây dựng website, tập huấn, đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến, livestream và các nội dung ứng dụng thương mại điện tử có liên quan.
Bên cạnh đó, để giúp DN kinh doanh hiệu quả trên nền tảng trực tuyến, các sàn thương mại điện tử cho biết, họ còn khuyến khích các đơn vị sản xuất chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm, mẫu mã, quy cách đóng gói sản phẩm phù hợp thị hiếu người dùng. Đồng thời lưu ý DN về thông tin, hình ảnh mô tả sản phẩm cần chi tiết, chính xác để thu hút người tiêu dùng.
Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, là xu hướng tất yếu, giúp duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nên nhiều DN ở TPHCM khẳng định sắp tới sẽ nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vào kinh doanh tại các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam. Một số chủ thể sản xuất chuyên về nhóm sản phẩm đã qua chế biến như mật ong rừng, tổ yến chưng… cho biết đang hoàn tất các thủ tục, quy trình đưa sản phẩm lên sàn, tiếp cận người tiêu dùng mới.
Hiện TPHCM có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó, 6 sản phẩm đạt 3 sao và 21 sản phẩm 4 sao. Mục tiêu năm 2022, TPHCM tổ chức đánh giá, công nhận 41 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên; trong đó có 22 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 19 sản phẩm 4 sao. Với thế mạnh là trung tâm công nghệ của cả nước, chính quyền TPHCM sẽ đẩy mạnh ứng dụng số hóa để hỗ trợ các chủ thể OCOP đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. |