Đảm bảo tiến độ triển khai dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài
Theo Quyết định số 760/Qđ-TTg ngày 02-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đầu tư đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (dự án thành phần 4), tỉnh Tây Ninh đang khẩn trương triển khai các công tác của dự án như cập nhật vào các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, xây dựng kế hoạch thực hiện; trong đó có giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành và địa phương. Nhận thức được vai trò đòn bẩy của dự án giao thông quan trọng này trong tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nên tỉnh rất quyết tâm và đề ra mục tiêu hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao chủ đầu tư trước ngày 30-4-2025.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ tổ chức vào ngày 2-12-2024 (được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án thành phần 4, đến nay: Tỉnh đã hoàn thành công tác thông báo thu hồi đất và thông qua chủ trương dự án đến từng hộ dân ngày 20-8-2024, với tổng số gồm 1.913 hộ và tổ chức bị ảnh hưởng. Hiện, đơn vị tư vấn đang thực hiện khảo sát, điều tra giá đất bồi thường, phục vụ công tác lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết dự kiến Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Dự án thành phần 4 được phê duyệt vào tháng 1-2025, phê duyệt phương án bồi thường và tiến hành chi trả cho dân hoàn thành công tác này và bàn giao mặt bằng trước ngày 30-4-2025.
Kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng
Ngoài việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối mang tính chiến lược, kết nối TPHCM với vùng Đông Nam bộ với Campuchia và khối ASEAN qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài bằng tuyến đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài thì tỉnh Tây Ninh đã có kiến nghị đến Chính phủ, Bộ KH-ĐT về hỗ trợ nguồn vốn đầu tư công đối với một số trục, tuyến giao thông kết nối vùng và nội vùng.
Cụ thể: Tuyến cao tốc Gò Dầu – Xa Mát, tỉnh đã nghiên cứu kỹ và đưa ra nhiều kịch bản phương án tài chính theo phương thức đối tác công tư (PPP), tuy nhiên các phương án đều không khả thi.
Theo đó, phương án 1: Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án khoảng 50% tổng mức đầu tư dự án, phần còn lại do nhà đầu tư cân đối. Theo kịch bản này thì thời gian hoàn vốn là hơn 23 năm.
Phương án 2: Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án khoảng 70% tổng mức đầu tư dự án, phần còn lại do nhà đầu tư cân đối. Theo kịch bản này thì thời gian hoàn vốn là dưới 20 năm. Phương án này, phải trình Chính phủ xem xét, tổng hợp trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ (tương tự như Nghị quyết số 106/2023/QH15).
Do đó, để đầu tư dự án, UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Chính phủ, Bộ KH-ĐT: Đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1, thực hiện đoạn từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh) bằng nguồn vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2026-2030, có tổng mức đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành bố trí vốn đầu tư dự án trục đường bộ động lực Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ phát triển hành lang kinh tế Bình Dương – Tây Ninh. Theo Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có quy hoạch hành lang kinh tế Tây Ninh – Bình Dương, hành lang kinh tế này có quy hoạch trục giao thông đường bộ từ khu công nghiệp Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), có chiều dài khoảng 52km, quy mô 10 làn xe. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Tây Ninh cũng kiến nghị Bộ GT-VT công bố danh mục Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng đường thuỷ nội địa sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Triệu (TPHCM) đến Bến Củi (Tây Ninh), hướng dẫn địa phương để thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trên luồng đường thuỷ nội địa quốc gia sông Sài Gòn để đa dạng phương thức vận tải, phát huy được tiềm năng của hệ thống giao thông thủy liên tỉnh.