Điểm trung bình về công khai ngân sách tỉnh năm 2020 đạt 69,09/100 điểm, tăng thêm 3,54 điểm so với kết quả năm 2019. Năm 2020, có 27 tỉnh công khai đầy đủ tài liệu và thông tin về ngân sách nhà nước (tăng 3 tỉnh so với năm 2019). Số tỉnh công khai tương đối đầy đủ là 29 tỉnh (tăng 2 tỉnh). Ngược lại, số tỉnh công khai chưa đầy đủ và công khai ít lần lượt là 5 tỉnh và 2 tỉnh (giảm tương ứng 4 và 1 tỉnh so với năm 2019).
Trong xếp hạng công khai ngân sách POBI 2020, tỉnh Vĩnh Long đứng đầu bảng xếp hạng, đạt 93,68 điểm. TP Đà Nẵng xếp thứ 2 với 92,26 điểm và Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ 3 với 90,45 điểm. Hai tỉnh công khai ít thông tin nhất trong kết quả xếp hạng POBI 2020 là Bình Phước và Đắk Lắk. Tỉnh Lạng Sơn năm 2019 đứng áp chót bảng xếp hạng, sang năm 2020 đã vươn lên thứ 16 với 82,3 điểm.
Nếu như ở năm đầu (năm 2018, công bố POBI 2017), có tới 4 tỉnh có điểm số bằng 0, không có tỉnh nào công khai đầy đủ thông tin về ngân sách tỉnh, thì ngay năm sau đó (thể hiện qua POBI 2018) có 6 tỉnh được xếp vào nhóm A (công khai đầy đủ) bao gồm: Vĩnh Long đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cũng đứng đầu cả nước với 90,52 điểm, tiếp đến lần lượt là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc…
Tiếp tục đà cải thiện đáng lạc quan, với POBI 2019, chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 65,55/100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn so chỉ số trung bình đối với POBI 2018 là 51 điểm và POBI 2017 là 30,5 điểm. Điều này cho thấy, mức độ công khai ngân sách nhà nước của 63 tỉnh thành năm 2019 đã cải thiện hơn so với năm 2017 và 2018. Cũng trong năm này, có 24 tỉnh thành công khai đầy đủ thông tin về ngân sách nhà nước, tăng rất mạnh so với con số 6 tỉnh thành của năm trước.
Dù chỉ số của các địa phương năm nay đều cao hơn năm trước, nhưng có phần chững lại. Sau nhiều năm, Hà Nội và TPHCM vẫn chưa nằm trong nhóm dẫn đầu, dù đây là hai địa phương có nguồn thu - chi ngân sách rất lớn. Thêm vào đó, tuy có sự cải thiện so với năm 2019, nhưng ở tiêu chí “tài liệu dự thảo dự toán và dự toán được quyết định”, lần lượt chỉ có 26 và 28 tỉnh công bố. Trong khi đây là 2 tài liệu rất quan trọng, vì được sử dụng để lấy ý kiến của người dân trong việc xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của địa phương - là cơ sở không thể thiếu để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
Bên cạnh đó, ở tiêu chí “người dân tham gia vào quy trình ngân sách”, số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh thành là 39,25 điểm, nghĩa là gần như không có sự cải thiện so với năm 2019 (38,02 điểm). Chỉ có 25 trên tổng số 63 tỉnh thành có công khai quy chế/quy trình cung cấp thông tin cho người dân, 16 tỉnh thành sử dụng các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo để dễ dàng hơn trong việc tương tác với người dân…
Minh bạch ngân sách ngày càng trở thành yêu cầu hết sức quan trọng và là mục tiêu phấn đấu lâu dài, bền bỉ. Việc công khai POBI tạo một cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong cả nước, đánh dấu sự “trưởng thành” của xã hội, gia tăng tính dân chủ, thúc đẩy trách nhiệm giải trình, cung cấp thông tin cho người dân cũng như các bên liên quan.