Mùa hạn hán thứ 5 liên tiếp
Đã đến lúc châu lục vốn đang quay cuồng với một loạt cú sốc khí hậu phải có tiếng nói chung và đưa ra các đề xuất cụ thể tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập vào tháng 11.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), những dự báo về tình hình thời tiết từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay cho thấy vùng Sừng châu Phi có nguy cơ bị khô hạn cao hơn mức trung bình. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc (OCHA) cảnh báo, vùng Sừng châu Phi đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 40 năm qua. Người dân ở đây đang phải đối mặt với nạn đói sau 4 mùa thiếu mưa liên tiếp. Các dự đoán mới nhất cho thấy từ tháng 10 đến tháng 12-2022 có thể thiếu mưa, dẫn đến thảm họa chưa từng có. Đây sẽ là mùa khô hạn thứ 5 liên tiếp, trong đó 3 nước Ethiopia, Kenya và Somalia đứng trước nguy cơ lâm vào thảm họa nhân đạo chưa từng thấy do hạn hán.
Hiện có 22 triệu người ở vùng Sừng châu Phi phải đối mặt nạn đói do hạn hán, trong khi các nước ở miền Nam châu Phi thường xuyên hứng chịu lốc xoáy, nước biển dâng cao đe dọa các thành phố như Dakar, Lagos, Cape Town và Libreville. Cần phải có hành động ngay lập tức để ngăn chặn điều tồi tệ nhất xảy ra tại khu vực trên trong những tháng tới, nên OCHA đã kêu gọi thành lập các quỹ khẩn cấp, giúp ngăn chặn thảm họa nhân đạo nơi này.
Phát biểu tại Tuần lễ Khí hậu châu Phi 2022 (ACW) ở thủ đô Libreville của Gabon để chuẩn bị cho COP27 với sự tham dự của lãnh đạo 42 quốc gia châu Phi, quan chức từ các cơ quan chủ chốt của Liên hiệp quốc và tổ chức đa phương, Tổng thống nước chủ nhà Ali Bongo Ondimba kêu gọi chấm dứt “sự bất công về khí hậu”. Châu Phi phải tận dụng COP27 để đưa ra các giải pháp sáng tạo, cụ thể và bền vững, đồng thời cung cấp cho các quốc gia châu Phi phương tiện chống lại biến đổi khí hậu thành công.
Thất vọng về việc thế giới không đạt được các mục tiêu về khí hậu, Tổng thống Bongo nêu rõ châu Phi và phần còn lại của thế giới cần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, trong bối cảnh Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) mô tả châu Phi dễ bị tổn thương nhất. Tất cả điều này đang làm mất đi nhiều năm tiến bộ và làm xói mòn các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, chủ tọa COP27, cho biết dù chiếm chưa đầy 4% lượng khí thải toàn cầu, song châu Phi là một trong những châu lục bị tàn phá nặng nề nhất do tình trạng biến đổi khí hậu. Không chỉ vậy, dù nguồn lực tài chính hạn chế và hỗ trợ ít ỏi, song châu lục này mỗi năm phải chi khoảng 2-3% GDP để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, không có thời gian cũng như bất kỳ sự trì hoãn nào đối với các cam kết.
Tự tìm “Ngọn đuốc công lý”
Trước tình hình khẩn cấp này, ngày 28-8, Liên minh Công lý khí hậu liên châu Phi (PACJA), một tổ chức vận động hành lang xanh có trụ sở tại thủ đô Nairobi của Kenya, đã phát động chiến dịch Ngọn đuốc công lý khí hậu (CJT) với mục đích khuyến khích các hành động địa phương hướng tới việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một tương lai carbon thấp. Chiến dịch này sẽ tìm cách tập hợp các cộng đồng cơ sở hướng tới các hoạt động thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh ở lục địa vốn đang quay cuồng với một loạt cú sốc khí hậu.
Chiến dịch CJT nhằm mục đích huy động và khơi dậy tiếng nói của các cộng đồng dễ bị tổn thương, đồng thời thắp sáng khát vọng của người dân châu Phi, những người đã phải chịu nhiều thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu. Được khởi động trước kỳ họp COP27, chiến dịch này được kỳ vọng sẽ nâng cao tầm nhìn về hoàn cảnh của các cộng đồng châu Phi trên tuyến đầu của khí hậu trong trường hợp khẩn cấp như hạn hán, lũ lụt, lốc xoáy và cháy rừng.
Theo ông Mwenda, CJT sẽ thúc đẩy việc công nhận các nhu cầu và hoàn cảnh đặc biệt, mất mát và thiệt hại của các quốc gia châu Phi, đồng thời ưu tiên tài chính thích ứng để tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu ở châu lục này. Ông nhấn mạnh rằng các cộng đồng địa phương đã chứng tỏ khả năng phục hồi và bền bỉ khi đối mặt với khủng hoảng khí hậu, do đó cần phải đặt họ vào trọng tâm của các chương trình giảm nhẹ và thích ứng.
Ông cũng cho biết, việc khai thác kiến thức bản địa và những đổi mới sẽ được ưu tiên trong chiến dịch ngọn đuốc, để cho phép các cộng đồng châu Phi đối phó với các tác động tàn phá của biến đổi khí hậu như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, nạn đói và căng thẳng về nước. CJT sẽ giúp truyền tải đến chính phủ tiếng nói của nhân khẩu học ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu gồm nông dân sản xuất nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngư dân, người chăn nuôi, phụ nữ, thanh niên....
Trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng, khủng hoảng chồng khủng hoảng, hợp tác và đồng thuận là điều cơ bản để giải quyết mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu. Phát biểu nhân sự kiện, Bộ trưởng Bộ Nước, Rừng, Biển và Môi trường Cộng hòa Gabon, Lee White, cho biết, việc phát động chiến dịch CJT là kịp thời trong bối cảnh hiện đang cấp bách phải huy động các cộng đồng cơ sở của châu Phi và thúc giục họ thực hiện các hành động có thể giảm lượng khí thải carbon và tăng tốc độ phát triển xanh.