Tăng tốc các dự án trọng điểm ở miền Trung

Sau thời gian thi công cầm chừng do ảnh hưởng dịch Covid-19, hàng loạt dự án trọng điểm tại miền Trung đang đẩy mạnh thi công cả ngày lẫn đêm để kịp tiến độ, cũng như giảm thiểu thiệt hại khi mùa mưa bão cận kề.

Hối hả giữa nắng cháy

Nắng nóng như thiêu như đốt nhưng trên công trường Dự án đầu tư thi công đường ven biển, đoạn Cát Tiến - Đề Gi (Bình Định), hàng trăm công nhân với đủ mọi phương tiện, thiết bị vẫn hối hả thi công. Công trình dài hơn 24km, có tổng vốn 1.261 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương. Trong đó, đoạn từ xã Cát Tiến đi thôn Tân Thanh (xã Cát Hải, huyện Phù Cát) gặp các eo núi hẹp nên công nhân phải cẩn thận gài mìn, phá nổ từng tảng đá lớn tạo mặt bằng. Tương tự, tại Phú Yên có 6 dự án giao thông trọng điểm với tổng vốn gần 2.300 tỷ đồng, đang đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm về đích. Cùng thời điểm, tại dự án cầu Cửa Đại dài gần 2km bắc qua sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), có kinh phí 2.250 tỷ vừa hợp long vượt tiến độ 4 tháng, nhà thầu và đơn vị thi công miệt mài hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để sớm đưa dự án vào sử dụng.

Thi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: VĂN THẮNG
Gió Lào nắng cháy nên các đơn vị thi công Dự án đập ngăn mặn sông Hiếu (Quảng Trị) phải thay đổi thời gian làm việc để đảm bảo tiến độ đề ra. Thay vì 7 giờ sáng lên công trường, các công nhân bắt tay vào làm việc từ lúc 5 giờ 30 đến 10 giờ thì nghỉ và chiều từ 14 giờ đến 17 giờ 30. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, dự án khởi công tháng 12-2018 với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, hiện đạt hơn 75% khối lượng công việc và dự kiến hoàn thành cuối năm 2020. Sau khi hoàn thành, công trình góp phần ngăn mặn, cấp nước sản xuất cho hơn 1.300ha đất nông nghiệp và gần 200ha đất nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 25.000 người dân và kết nối giao thông đường bộ 2 bên bờ sông Hiếu, tạo cảnh quan môi trường đô thị và phát triển du lịch.


Tại các vị trí đã có mặt bằng, hạng mục cầu, cống trên tuyến Cam Lộ - La Sơn (một trong 11 dự án thành phần theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV tiếp tục đầu tư xây dựng một số đoạn Dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 654km) đang được các nhà thầu hối hả thi công. Ở vị trí triển khai gói thầu xây lắp số 2 (Km15 - Km26+500) qua các huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị được bố trí nhiều mũi “xẻ núi” bằng máy đào công suất lớn kết hợp búa công phá từng mảnh đá. Trong khi, đoạn phía bờ Nam thượng nguồn sông Thạch Hãn, máy móc được huy động tối đa để khoan phá đá, đào múc đất san bằng cho xe lu tiến vào lu lèn tạo khuôn đường. Đại diện Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh phụ trách Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn cho biết, các nhà thầu điều chỉnh tiến độ thi công chi tiết để đạt mục tiêu cơ bản hoàn thành thoát nước và nền đường, cầu nhỏ và hạ bộ cầu lớn trước mùa mưa lũ năm 2020.

Điều chỉnh chính sách kêu gọi đầu tư

Dù gặp nhiều khó khăn giai đoạn đầu năm 2020, song những công trình trọng điểm tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên vẫn nỗ lực về đích an toàn. Ấn tượng nhất tại Bình Định, ngay thời điểm khó khăn nhất do ảnh hưởng dịch Covid-19, địa phương này vẫn cán đích kịp thời 3 công trình giao thông “huyết mạch” với tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, gồm: quốc lộ 19 mới (đoạn từ cảng Quy Nhơn nối với quốc lộ 1A); tuyến đường phía Tây Bình Định và đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng cho biết, địa phương đang đẩy mạnh đầu tư thêm nhiều dự án giao thông trọng điểm với vốn hàng ngàn tỷ đồng để tiếp tục khai thông các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, nhằm rộng đường thu hút đầu tư, phát triển các khu kinh tế, khu đô thị du lịch, khu công nghiệp... Bình Định cũng vừa có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất triển khai xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam, đoạn từ Quảng Ngãi đến Bình Định (170km)… “Hiện địa phương đang chuẩn bị các chính sách mới để thu hút các dự án FDI thời hậu Covid-19”, ông Phan Cao Thắng thông tin. Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương, địa phương cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi, cũng như cung cấp đầy đủ, minh bạch các thông tin, thủ tục để thu hút nhà đầu tư.

Năm 2020, Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu thu hút từ 8-10 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 6.000 - 8.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019. Trong đó, đáng chú ý là Dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty CP Công nghiệp chế tạo ô tô Bách Việt với tổng vốn đầu tư 2.655 tỷ đồng, dự kiến khởi công xây dựng quý III năm 2020 và hoàn thành quý IV năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, dự báo năm nay tác động kép từ Nghị định 100 của Chính phủ và dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó một số nguồn thu gặp khó. “Tỉnh đang tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện các hoạt động quảng bá, tuyên truyền trên các kênh truyền thông; thực hiện chiến dịch, quảng bá thông điệp “Huế là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn trong các hành trình sắp đến của du khách”; là địa phương đã và đang chủ động kiểm soát tốt những tác động của dịch bệnh”, ông Thọ nói.

Tin cùng chuyên mục