Dự án đường Vành đai 3 đang vào giai đoạn nước rút thực hiện thủ tục để khởi công vào tháng 6 này. Các địa phương có đường Vành đai 3 đi qua đều khẳng định sẽ bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch đề ra.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, TP Thủ Đức đã triển khai công tác kiểm đếm, chuẩn bị nhà tái định cư; đăng ký khởi công xây dựng trước khoảng 4km vào tháng 6, phần còn lại sẽ bàn giao đúng tiến độ. Huyện Hóc Môn cũng cơ bản bàn giao mặt bằng vào trung tuần tháng 6; khu tái định cư nền nhà và căn hộ đã được chuẩn bị xong. Tương tự, huyện Bình Chánh và Củ Chi cũng cam kết đúng kế hoạch bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, năm 2023, TPHCM sẽ khánh thành tuyến metro số 1; khởi công các gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị mặt bằng để đến năm 2025 khởi công xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Các tuyến metro còn lại sẽ được rà soát hoàn thiện trên tinh thần huy động nguồn lực từ tài trợ, vay, ngân sách… để đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện. Năm 2024, thành phố phấn đấu hoàn thiện 4 tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, đường Lương Định Của, các nút giao Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ...
Để hoàn thiện đường Vành đai 2, UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn chuẩn bị đầu tư và cơ quan này đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên, 2 đoạn còn lại cần thực hiện để khép kín đường Vành đai 2 này theo dự tính có vốn lớn, do đó phải cân đối nguồn vốn; dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2023 để khởi công sớm. Thành phố phấn đấu khép kín đường Vành đai 2 cùng thời điểm với đường Vành đai 3, vào cuối năm 2025.
TPHCM cũng lên kế hoạch chuẩn bị hồ sơ cho dự án đường Vành đai 4. Trong tháng 12, thành phố sẽ họp thống nhất với các tỉnh, thành để triển khai, dự kiến tháng 5-2023 sẽ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố sẽ khởi động triển khai dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, phối hợp tỉnh Bình Dương để triển khai đường cao tốc TPHCM - Chơn Thành. Thành phố cũng đã giao chuẩn bị đầu tư một số công trình, nghiên cứu hồ sơ các cầu Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4, Cần Giờ...
Quyết tâm của TPHCM rất lớn, nhưng để triển khai hàng loạt dự án như vậy nếu không có sự hỗ trợ từ khâu thủ tục đến nguồn lực thực hiện của các Bộ: GTVT, KH-ĐT, Tài chính…, sẽ khó hoàn thành kế hoạch đề ra.
* Đề xuất bố trí 880 tỷ đồng cho bệnh viện cửa ngõ
Tại Công văn số 3737/UBND-DA về thực hiện các dự án kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết ngày 31-12-2022 gửi Bộ KH-ĐT, do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ký ngày 14-10-2022, nêu rõ: Do tiết kiệm trong quá trình đầu tư nên số vốn ngân sách trung ương không sử dụng hết của dự án xây mới Bệnh viện Nhi đồng TPHCM và dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM là 880,053 tỷ đồng. UBND TPHCM kiến nghị Bộ KH-ĐT cho phép hoàn trả và bố trí nguồn vốn hoàn trả này cho dự án Mua sắm trang thiết bị chuyên môn của Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn. Gần 7 tháng qua, những kiến nghị của TP chưa được Bộ KH-ĐT chấp thuận, bộ ngành liên quan phản hồi và nguy cơ công trình phải “đắp chiếu” vì không có trang thiết bị y tế chuyên môn là có thể xảy ra.
* 117 dự án xây mới trường lớp chậm triển khai
Hiện nay, TP còn 117 dự án giáo dục chậm thực hiện do nhiều nguyên nhân như: bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa duyệt kế hoạch, chưa bố trí vốn, chưa làm hồ sơ, chưa thu hồi đất, điều chỉnh dự án… Trong đó, nhiều nhất là cấp tiểu học với 49 dự án; mầm non 36 dự án. Bên cạnh đó, nếu xét theo tiêu chuẩn của ngành giáo dục, TP thiếu khoảng 3.000 phòng học; song nếu xét theo tiêu chí 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi), TP còn thiếu trên 8.800 phòng học.