Phát triển sản phẩm trị liệu, chăm sóc sức khỏe
Báo cáo năm 2022 của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu thị trường Grand View Research cho thấy, du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness tourism) toàn cầu dự kiến vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng hàng năm gần 10% trong vòng 8 năm tới. Các quốc gia đang đi đầu về mô hình này như Nhật Bản với hình thức tắm onsen tạo nên thương hiệu; tắm đá muối tại Hàn Quốc; các tour du lịch kết hợp thiền định và yoga tại Ấn Độ.
Riêng với nước ta, thông tin từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hàng năm lượng khách du lịch đến Việt Nam khám chữa bệnh tăng dần, doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm thời điểm trước dịch Covid-19. Mỗi năm, có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh, trong đó 40% lượng khách tập trung tại TPHCM. Vì vậy, để thu hút du khách, ngành du lịch TPHCM đã kết nối với hơn 50 đơn vị là các bệnh viện, cơ sở y tế, spa, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch… cùng xây dựng 30 sản phẩm du lịch y tế để giới thiệu đến người dân và du khách.
Chị Nguyễn Ngọc Hân, ngụ quận Phú Nhuận, chia sẻ, sau dịch Covid-19, nhiều người có xu hướng du lịch ở nơi có cuộc sống hoang sơ, không internet… “Dân văn phòng thường bị hội chứng cổ - vai - gáy do ngồi máy tính nhiều. Đi chơi xa, tạm trốn khỏi bộn bề công việc cũng là điều thú vị, để thấy cuộc sống ý nghĩa hơn và cải thiện phần nào hội chứng cổ - vai - gáy này”, chị Ngọc Hân tâm sự. Thông tin này cũng trùng khớp với khảo sát của trang web du lịch trực tuyến Booking.com đưa ra gần đây khi 44% khách du lịch toàn cầu muốn trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hoang sơ, không có sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại; 55% muốn có những kỳ nghỉ theo phong cách “ngoài vùng phủ sóng”…
Ông Lê Kiên, Giám đốc điều hành Panhou Retreat và Whale Island Resort, cho rằng, con người hiện đại đang đối diện với 3 vấn đề ô nhiễm thường gặp trong cuộc sống là: ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm không khí và ô nhiễm ánh sáng. Trong đó, nhiều bằng chứng cho thấy, khi con người tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn quá nhiều sẽ gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe như căng thẳng thần kinh, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tâm lý… Đối với TPHCM, những nơi nào có thể tránh xa ồn ào phố thị? Theo ông Lê Kiên, huyện đảo Cần Giờ, huyện Hóc Môn, Củ Chi là những điểm đến có nhiều không gian xanh, thuận tiện cho phát triển các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, trị liệu… “Vấn đề là việc mời gọi đầu tư, kết nối đồng bộ hạ tầng, khai thác sản phẩm ra sao để thu hút khách đến”, ông Lê Kiên trăn trở.
Kết nối các câu lạc bộ giải trí dưới nước
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, sở đang đẩy mạnh phát triển chùm tour, tuyến đường sông với chất lượng dịch vụ xứng tầm. Song song đó, UBND TPHCM cũng chỉ đạo các sở ngành phối hợp với Sở Du lịch phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch đường thủy, đường biển, từng bước đưa TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ hạ tầng về tàu thuyền du lịch hàng đầu của khu vực. Để làm được điều này, Sở Du lịch nhấn mạnh việc giữ gìn và khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa tinh thần, tài nguyên tự nhiên cũng như tôn tạo cảnh quan, giữ gìn vệ sinh, môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh, trật tự… tại các tuyến điểm du lịch đường thủy là yếu tố quan trọng.
Theo đánh giá của sở, với tuyến đường thủy tầm ngắn như tuyến nội đô Bạch Đằng - bán đảo Thanh Đa - Bình Quới (qua các địa bàn quận 1, quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức trên sông Sài Gòn…) cần được làm đẹp để hút khách tại chỗ, khách quốc tế.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, nhu cầu vui chơi, giải trí của hơn 10 triệu dân sinh sống, làm việc tại TPHCM là rất lớn và đây cũng là nguồn khách hàng tiềm năng. Hiện tuyến đường thủy đã có doanh nghiệp khai thác tuyến buýt đường thủy số 1 và nhiều doanh nghiệp phục vụ du lịch bằng phương tiện thủy - tàu nhà hàng phục vụ ăn uống, du ngoạn trên sông Sài Gòn; có tour “Ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn” bằng du thuyền. Dịch vụ trải nghiệm chính trong chương trình gồm du ngoạn ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn; thưởng thức ẩm thực ở các cơ sở ven sông (làng du lịch Bình Quới 1,2,3…).
Để du lịch đường thủy phát triển sầm uất hơn, Sở Du lịch đề xuất giải pháp chỉnh trang các cầu cảng, bến tàu, dịch vụ du lịch phù hợp với phát triển du lịch khu vực; quy hoạch các bến bãi đỗ xe an toàn, thuận tiện cho các đoàn khách đến tham quan và sử dụng dịch vụ trên tuyến; xã hội hóa đầu tư tàu nhà hàng chất lượng tiêu chuẩn 4-5 sao; có thêm phương tiện thủy nhỏ như thuyền gỗ, thuyền composite…hoạt động trên các tuyến kênh, sông Sài Gòn.
Đáng chú ý, ngành du lịch thành phố cũng đưa vào khai thác, kết nối các câu lạc bộ vui chơi, giải trí dưới nước định kỳ hàng tháng, hàng quý như: trình diễn thuyền buồm Sailing, trình diễn bay bằng ván phản lực Flyboard, chiếu sáng nghệ thuật, dù lượn trên cao, đua thuyền truyền thống do các vận động viên chuyên nghiệp thực hiện, biểu diễn cano, tổ chức hoạt động tương tác chèo SUP… nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách.