Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận, Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực trong việc định hướng Ngân hàng Chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại cùng vào cuộc để triển khai 3 CTMTQG. Tuy nhiên, nhiệm vụ giao cho Ngân hàng Nhà nước trong triển khai các CTMTQG còn chưa cụ thể. Tính rủi ro của tín dụng trong 3 CTMTQG còn cao, nhất là khả năng thanh toán, trả nợ, dẫn đến khó khăn trong việc huy động nguồn vốn tín dụng. Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội cần mạnh dạn đề xuất Chính phủ giao thêm nhiệm vụ nếu thấy có liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện các CTMTQG. Bảo đảm điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, làm sao để người dân, doanh nghiệp “mặn mà” hơn với chính sách tín dụng của Nhà nước.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong năm 2021-2022 đã có trên 4,4 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ ngân hàng với doanh số cho vay đạt 184.316 tỷ đồng; góp phần giúp hơn 432.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm cho trên 1,5 triệu lao động...