Quá ít hãng khai thác
Phân tích về các yếu tố khiến giá vé máy bay cao, ông Hoàng Nhân Chính, Hội đồng Tư vấn du lịch, cho rằng, dù Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không đều nói do chi phí nhiên liệu, chênh lệch tỷ giá, thiếu máy bay, nhưng thực tế vẫn còn một số nguyên nhân khác chưa được đề cập đến, trong đó có yếu tố thiếu tính cạnh tranh. “Giá vé máy bay ở Thái Lan rẻ vì có nhiều hãng cùng khai thác, còn ở Việt Nam hiện chỉ có 2 hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines và Vietjet khai thác”, ông Chính nhấn mạnh.
Để từng bước khắc phục nguyên nhân thiếu cạnh tranh do quá ít hãng hàng không khai thác, ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), cho biết, các hãng hàng không mới sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn theo Thông tư 13 vừa được ban hành. Cụ thể, các hãng HKVN lần đầu tham gia khai thác thị trường sẽ được áp dụng mức giá bằng 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay đi - đến do Bộ GTVT định mức giá (thời hạn áp dụng trong 36 tháng kể từ ngày bắt đầu khai thác). Đối với hãng hàng không khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ đi - đến Việt Nam tại thời điểm không có hãng nào khai thác thường lệ trong khoảng thời gian ít nhất 12 tháng, sẽ được áp dụng ưu đãi tại từng cảng hàng không.
Cụ thể, tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, hãng bay sẽ được áp dụng mức giá bằng 90% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay đi - đến. Thời hạn áp dụng 12 tháng kể từ ngày bắt đầu khai thác. Tại các cảng hàng không khác, các hãng sẽ áp dụng mức giá bằng 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay đi - đến (thời hạn áp dụng là 24 tháng kể từ ngày bắt đầu khai thác).
Tuy nhiên, theo Cục HKVN, vận chuyển hàng không là ngành kinh doanh đặc thù, có yêu cầu cao về vốn đầu tư và tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong giai đoạn vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như chính trị, kinh tế, thiên tai, địch họa, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Hiện các hãng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vốn chủ sở hữu và kết quả kinh doanh lũy kế vẫn trong tình trạng thua lỗ, chưa thể phục hồi trạng thái như trước. Do vậy, đến thời điểm này, Cục HKVN vẫn chưa nhận được thông tin liên quan hãng hàng không mới nào muốn tham gia thị trường hàng không Việt Nam.
Có chính sách khuyến khích
Trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế, chưa có dấu hiệu về sự xuất hiện của các hãng hàng không mới muốn gia nhập thị trường, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần có chính sách khuyến khích các hãng hàng không quốc tế đầu tư vào Việt Nam. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu Hội đồng Tư vấn du lịch, trước đây, Nghị định 76/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung tại Việt Nam có quy định tỷ lệ đầu tư nước ngoài không quá 49%. Tuy nhiên, Nghị định số 89/2019/ NĐ-CP của Chính phủ quy định tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài không quá 34%, điều này chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư.
Thực tế, đến nay các nỗ lực gọi vốn đầu tư nước ngoài vào các hãng hàng không Việt Nam chưa thành công, kể cả gọi được rồi thì sau đó đối tác nước ngoài cũng rút lui như All Nippon Airways rút khỏi Vietnam Airlines, hay hãng hàng không Qantas (Australia) đầu tư vào Pacific Airlines nhưng do không được tạo điều kiện tăng tỷ lệ đầu tư lên 49% và bỏ quản lý giá vé nội địa bằng giá trần nên đã rút vốn. “Trong khi đó, tại Thái Lan, quốc gia này có ngành hàng không phát triển hơn Việt Nam rất nhiều nhưng họ vẫn khuyến khích đầu tư nước ngoài, trong đó có cả vốn đầu tư của một hãng hàng không Việt Nam. Điều này cho thấy, việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực hàng không rất cấp thiết”, một chuyên gia về hàng không chia sẻ.
Xu hướng giá vé tăng
Theo thông tin từ Cục HKVN, giá vé máy bay đã tăng mạnh trong năm 2024, có tuyến tăng gấp rưỡi. Giá vé trung bình của Vietnam Airlines so với cùng kỳ năm trước đã tăng từ 14% đến 20%. Tổng cục Thống kê cũng cho biết, chỉ số giá dịch vụ vận tải đường hàng không đã tăng 85,44% so với quý 1-2023. Hiện giá vé máy bay trong nước ở Việt Nam chỉ thấp hơn chút ít so với giá vé máy bay đi các nước trong khu vực. Giá vé tăng cao đã ảnh hưởng trước tiên tới ngành hàng không, do giảm nhu cầu đi lại bằng máy bay. Thực tế, giá vé máy bay có thể chiếm đến 40%-60% giá tour du lịch trọn gói. Việc tăng giá vé máy bay đã kéo theo giá tour tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo nghiên cứu, đánh giá của Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), giá vé máy bay trên thế giới vẫn đang có xu hướng tăng cao. Dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3%-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Cùng với việc tạo điều kiện có thêm hãng hàng không hoạt động làm tăng tính cạnh tranh cho thị trường, để kéo giảm giá vé máy bay, các chuyên gia cho rằng cần có sự chung tay của Chính phủ, Bộ GTVT, Cục HKVN, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không. Theo kiến nghị của đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo, Viettravel, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Chính phủ cần xem xét giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đi - đến đối với các chuyến bay nội địa.
Theo ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), Chính phủ có thể trợ giá để giúp doanh nghiệp hàng không bù đắp chi phí và duy trì hoạt động, kích cầu cho cả hai ngành du lịch và hàng không. Đặc biệt, Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn để nâng cao năng lực của các công ty bảo trì, sửa chữa và đại tu máy bay vì hiện Việt Nam chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu. Mặt khác, đại diện các công ty du lịch cũng đề nghị các hãng hàng không cần quan tâm hơn đến chất lượng dịch vụ, nên bỏ khoản phí thanh toán vé.
Ông Đỗ Hồng Cẩm cho biết, để kéo giảm giá vé máy bay trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không tăng cường hoạt động, tối ưu khai thác đội máy bay hiện hữu; đẩy nhanh quá trình tìm kiếm, đàm phán thuê máy bay bổ sung trong giai đoạn cao điểm; bảo đảm hiệu quả công tác điều phối giờ cất, hạ cánh; điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác máy bay trong ngày của các hãng để giảm thời gian quay đầu, nhanh chuyển tiếp chặng bay. Bên cạnh đó, Cục HKVN cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện đúng quy định về giá vận chuyển hành khách; khuyến khích các hãng hàng không nghiên cứu, tiết giảm chi phí, triển khai các chính sách khuyến mãi, ưu đãi giá vé cho hành khách trên các đường bay nội địa phù hợp...
Lãnh đạo Cục HKVN cũng khẳng định, các cơ quan, đơn vị liên quan sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thành lập hãng hàng không mới khi nhận được đề xuất của doanh nghiệp.
Nhiều quốc gia hỗ trợ các hãng hàng không
Cục Hàng không Dân dụng Thái Lan đã nghiên cứu tìm nguyên nhân và xây dựng kế hoạch 5 điểm để giải quyết vấn đề liên quan đến giá vé và chất lượng dịch vụ, khiến hành khách bức xúc, ảnh hưởng đến ngành du lịch, gồm: cho phép nhiều nhà khai thác xử lý mặt đất hơn; trả lại khoảng trống cho lịch bay nếu không thể khai thác tốt; cho phép các hãng hàng không mua thêm máy bay; thúc đẩy đầu tư vào các trung tâm bảo dưỡng trong nước để giảm chi phí về tài chính và thời gian cho việc bảo dưỡng máy bay ở nước ngoài; trợ cấp cho các hãng hàng không khai thác các chuyến bay đến các điểm đến ít phổ biến hơn. Trong năm 2024, Thái Lan cũng cho phép 9 hãng hàng không mới đi vào hoạt động. Tương tự, Trung Quốc cũng có trợ cấp cho một số đường bay tới các điểm đến cần khuyến khích du lịch, ví dụ như điểm đến Tam Á trên đảo Hải Nam. Các chuyến bay quốc tế đến Tam Á sẽ được hưởng hỗ trợ bằng tiền nếu đáp ứng đủ các tiêu chí về tần suất bay, số lượng khách... Singapore, Indonesia cũng có nhiều chính sách trợ giúp các hãng hàng không vượt qua khó khăn.