Tăng thuế, dân chịu!

Thông tin Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai giải thích về đề xuất tăng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, mấy ngày qua dư luận đã lên tiếng phản đối dữ dội vấn đề này.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng, tăng thuế là một phần dự án nhằm cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Chúng tôi đồng ý, nhưng cơ cấu lại ngân sách không nên “đánh vào túi người dân” trước, mà phải tập trung vào chống thất thoát, chống tham nhũng hàng chục ngàn tỷ đồng trong mỗi vụ án trước đã. An lòng dân trước thì người dân sẽ dễ đồng lòng. 

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, “tăng thuế VAT không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo”, việc này chúng tôi không thể đồng tình. Thứ trưởng lập luận rằng, nhóm lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục… (gọi chung là nhu cầu thiết yếu) thuộc nhóm hàng không chịu thuế, và theo thống kê người thu nhập thấp, trung bình chi 59% thu nhập để mua nhóm này, trong khi đó, người giàu chi 39% để chứng minh người nghèo không bị ảnh hưởng nhiều bằng người giàu. Thế nhưng, trên thực tế  sản phẩm lương thực, thực phẩm do người trực tiếp sản xuất bán ra mới thuộc đối tượng không chịu thuế, chứ qua khâu trung gian thương mại thì phải chịu thuế 5% (dự luật sẽ tăng thành 6%). Vậy, chỉ có rau, thịt do người dân trực tiếp trồng trọt, chăn nuôi bán ra mới không chịu thuế, mà các công nhân, người dân thành thị, công chức viên chức không thể mỗi ngày chạy về tận quê mua rau, thịt, gạo để không phải chịu thuế, thưa thứ trưởng!

Đó là chưa kể, các loại hàng hóa, dịch vụ khác cũng thiết yếu cho đời sống hàng ngày của người nghèo như quần áo, vải, điện, nước sạch... thì thuế VAT tăng lên 12%, người nghèo không thể không dùng để không bị ảnh hưởng! Rồi dự thảo còn sửa đổi một số mặt hàng như phân bón, tàu đánh bắt xa bờ, máy nông nghiệp hiện đang hưởng thuế suất VAT 0%, nay bị đề xuất tăng thành 6%. Có thể thấy rõ nhất về bất hợp lý của sửa đổi tăng thuế lần này đó là mặt hàng phân bón mà trước đó nằm trong nhóm có thuế suất 5% nhưng sau đó nằm trong đối tượng không chịu thuế, nay bỗng dưng đề xuất tăng lên 6%! Đấy là những sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nếu đầu vào tăng thuế thì đầu ra giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng. Và xét dưới góc độ kinh tế thì những sản phẩm lương thực, thực phẩm sẽ có đường cầu không co dãn (nhu cầu không thể thay đổi, giá có tăng vẫn phải ăn), thì khi tăng thuế đầu vào sẽ dẫn đến giá cả thị trường tăng và cuối cùng người dân nghèo gánh chịu nặng nề nhất.
Ngược lại, nếu thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ có đường cầu co dãn (ví dụ: tăng thuế rạp chiếu phim, giá tăng, người tiêu dùng sẽ không xem) sẽ dẫn đến cầu giảm và gánh nặng thuế phần lớn do người sản xuất gánh chịu và từ đó sẽ dẫn đến sản xuất giảm, tạo ra hiệu quả kinh tế cho xã hội giảm và đến lượt thu ngân sách cũng giảm đi.

Do vậy, việc tăng thuế VAT xét về trực tiếp hay gián tiếp thì cũng tác động lên đời sống người dân. Bởi, thuế VAT là thuế gián thu, người tiêu dùng là người phải chịu thuế, nên hàng hóa sản xuất ra được cấu thành bởi nguyên liệu có thuế thì giá bán ra phải bao gồm thuế và người tiêu dùng cuối cùng phải “gánh”, không loại trừ ai. Và đương nhiên, trong đó, người dân nghèo vốn khó khăn sẽ thêm phần khó khăn.

Tin cùng chuyên mục