Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thách thức lớn nhất là tỷ lệ động viên ngân sách chưa bền vững dù thu nội địa chiếm 82% tổng thu ngân sách. Một bộ phận nguồn thu nhất là nguồn thu của nhiều địa phương phụ thuộc vào bán tài sản công, quyền sử dụng đất; tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn. Năm 2017, cơ quan thuế triển khai Nghị định 20/2017/NĐ-CP (ban hành 24-2-2017, quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết - PV) cũng như gắn với chương trình hợp tác quốc tế, cơ quan tài chính đã tăng thu thêm 300 triệu USD và quan trọng hơn là giảm lỗ 2,2 tỷ USD từ việc quản lý thuế với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
5 thách thức khác đối với ngành tài chính cho phát triển nhanh và bền vững, bao gồm: chi thường xuyên vẫn còn cao trong khi nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển nhiều; hiệu quả, hiệu lực, quản trị quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; rủi ro đến từ những khoản nợ dự phòng liên quan đến bảo lãnh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp; chi phí vốn của doanh nghiệp còn cao (8 tháng qua, đấu giá trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, lãi suất 4,12%/năm nhưng hiện doanh nghiệp phải vay vốn trung, dài hạn tại các ngân hàng thương mại khoảng 9,6%/năm); thủ tục hành chính dù có cải thiện nhưng vẫn xếp ở vị trí thấp theo đánh giá của tổ chức quốc tế.