PHÓNG VIÊN: Quan điểm của ông về đề xuất của Bộ GD-ĐT?
Ông Phạm Tất Thắng
Ông PHẠM TẤT THẮNG: Khi mới đưa ra đề xuất, dư luận rất dậy sóng với việc Bộ GD-ĐT bỏ biên chế, áp dụng cơ chế hợp đồng với giáo viên. Tuy nhiên, sau đó Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định lại sẽ có lộ trình thích hợp, nghiên cứu ý tưởng thấu đáo cũng như việc phải xin ý kiến Chính phủ, nếu Chính phủ đồng ý thì Bộ GD-ĐT mới triển khai. Đặc biệt, Bộ trưởng đã thu hẹp phạm vi định thí điểm, theo đó chỉ thí điểm ban đầu ở trường đại học và một số trường THPT đủ điều kiện, còn chưa thí điểm với mầm non, tiểu học, THCS cũng như những địa bàn khó khăn.
Tôi cho rằng, đây là chủ trương táo bạo và cần hướng đến, bởi chúng ta biết trong thực tế, chi cho giáo dục thì tới 80% là cho con người, chỉ có 20% cho hoạt động giáo dục, nhiều nơi thậm chí không đạt tới 20% mà dưới 10%. Vì vậy, chúng ta phải thay đổi cơ cấu chi, làm sao chi cho hoạt động giáo dục phải tăng lên thì mới bảo đảm chất lượng giáo dục. Vấn đề nữa là ngành giáo dục bao năm nay đang có cung cách quản lý rất truyền thống, đặc biệt là các trường phổ thông, trong khi việc quản trị nhân lực hiện nay đã thay đổi rất lớn.
Tuy nhiên, ngành giáo dục là đặc thù, đội ngũ giáo viên cũng rất đặc thù. Giáo viên không chỉ cần được bảo đảm thu nhập để mưu sinh mà còn cần được xã hội, phụ huynh, cộng đồng tôn trọng. Giáo viên cần một vị thế xã hội nhất định để cống hiến, để tạo ra một sản phẩm cũng rất đặc thù là con người. Nên việc giải quyết chế độ cho giáo viên phải đáp ứng cả 2 yếu tố. Thứ nhất là thu nhập phải tốt, làm sao thu nhập của giáo viên phải cao nhất trong đội ngũ công chức viên chức, đổi mới thế nào thì cũng phải bảo đảm thu nhập của giáo viên phải tốt hơn trước. Thứ hai, dù thay đổi phương thức quản lý với giáo viên như thế nào thì cũng phải bảo đảm ghi nhận của xã hội với nghề giáo viên. Không thể nào có những hợp đồng lao động với giáo viên như hợp đồng ở các doanh nghiệp bên ngoài được.
Sau khi lắng nghe dư luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thu hẹp phạm vi áp dụng thí điểm, theo ông như thế đã phù hợp chưa?
Luật Giáo dục đã quy định giáo dục tiểu học và THCS là phổ cập, không thu tiền, vì thế đương nhiên ngân sách phải bảo đảm. Ngoài ra, những vùng khó khăn thì không nên thí điểm, mà thậm chí chúng ta còn phải có cơ chế thu hút giáo viên giảng dạy công tác ở vùng khó khăn.
Trước mắt, chỉ nên thí điểm ở đại học - khu vực có tính tự chủ cao, có thể xã hội hóa tốt và đây cũng là bậc học đã có tính tự chọn của người học. Tương tự, ở những trường THPT có đủ điều kiện, có thể triển khai các dịch vụ giáo dục chất lượng cao thì nên thí điểm, bởi người học cũng có nhu cầu lựa chọn trường tốt, giáo viên tốt.
Như tôi đã nhấn mạnh, ủng hộ thí điểm cơ chế hợp đồng với giáo viên, trước mắt ở khu vực đại học và THPT đủ điều kiện. Nhưng dù thay đổi thế nào thì vẫn phải bảo đảm 2 yếu tố: thu nhập giáo viên tốt lên và vị thế xã hội của giáo viên vẫn phải được bảo đảm.
Giáo viên tiểu học lao động rất vất vả nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng
Nhiều ý kiến cho rằng phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực của các hiệu trưởng trong việc quyết định ký hợp đồng hay cắt hợp đồng với giáo viên, nếu làm không tốt thì sẽ dẫn đến lạm quyền, như “giao trứng cho ác”?
Phải quy định rõ ràng về cách thức tuyển giáo viên, để hiệu trưởng dù có thẩm quyền chủ động cao hơn trong tuyển dụng giáo viên nhưng vẫn phải đi theo những quy định cụ thể của cơ quan có thẩm quyền ban hành. Khi đã có quy định cụ thể mà hiệu trưởng không thực hiện đúng thì vẫn có thể bị mất chức, do lúc đó hiệu trưởng cũng theo cơ chế hợp đồng.
Hiện nay, quy định tuyển dụng giáo viên từ THCS trở xuống thì thuộc thẩm quyền UBND quận, huyện và có phòng nội vụ tham gia. Khi thí điểm hợp đồng giáo viên thì vẫn có thể theo cơ chế hiện nay, nhưng có sự phân cấp. Tức là UBND quận, huyện ủy quyền cho hiệu trưởng ký hợp đồng giáo viên, còn UBND quận, huyện có thẩm quyền ký hợp đồng với hiệu trưởng. UBND quận, huyện, thậm chí cả ngành nội vụ sẽ có trách nhiệm quản lý hiệu trưởng để bảo đảm hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật. Khi có cơ chế kiểm soát như vậy thì chúng ta sẽ tránh được việc tập trung quyền lực, lạm quyền của hiệu trưởng. Dĩ nhiên, lúc đó phải có những tiêu chuẩn, tiêu chí rất cụ thể đối với hiệu trưởng, với giáo viên ở từng địa bàn cụ thể để xã hội, phụ huynh, học sinh kiểm tra, giám sát.
Nhưng có một điều tôi muốn nhấn mạnh, là dù với cách thức nào thì cũng không thể coi giáo viên như một người lao động bình thường. Sư phạm không thể như một ngành kinh tế khác mà có thể vào - ra hợp đồng thường xuyên, liên tục. Ngành giáo dục sẽ phải có giải pháp cụ thể, báo cáo Chính phủ kỹ lưỡng, được sự đồng thuận của dư luận, nhất là đội ngũ giáo viên, thì mới làm. Sau khi thí điểm phải đánh giá rõ, nếu thực sự tích cực thì mới làm rộng. Phải chuẩn bị thật kỹ để bảo đảm sự đồng thuận của toàn xã hội, vì đó là sự thay đổi liên quan đến hàng triệu giáo viên, hàng chục triệu học sinh.