Công chức, viên chức đang giảm ở các bộ, ngành
Năm 2019, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm so với năm 2015 (khối Chính phủ quản lý) tại 63/63 địa phương giảm 4,26%; tại 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 8/8 cơ quan thuộc Chính phủ giảm 11,85%. Từ năm 2015 đến ngày 20-12-2019, đã thực hiện tinh giản biên chế 50.547 người.
Sở Nội vụ đã tham mưu UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, sắp xếp các sở, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, phù hợp với thực tế. Đến nay, có 54/63 cấp tỉnh thực hiện việc sáp nhập các trung tâm y tế có cùng chức năng để thành lập Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật; 437/713 cấp huyện thực hiện hợp nhất bệnh viện huyện và trung tâm y tế.
Trong năm 2020, Bộ Nội vụ cho biết, sẽ tập trung hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; các quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế gắn với vị trí việc làm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện danh mục và bản mô tả vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chế và cải cách chính sách tiền lương.
Tăng thêm 7,38% lương từ ngày 1-7-2020
Với chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ cho hay, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo thẩm quyền đã ban hành 2 Thông tư, 13 hướng dẫn về chính sách tiền lương.
Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tăng từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng (tăng thêm 7,19%) từ ngày 1-7-2019. Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng (tăng thêm 7,38%) từ ngày 1-7-2020 trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Việc tăng lương trong dự toán ngân sách đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2019.
Bộ Nội vụ cũng đã trình Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 5,5% từ ngày 1-1-2020 và thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước.
Để thực hiện chính sách tiền lương mới, hiện các bộ ngành đang chủ động xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Trên cơ sở các đề xuất của bộ, cơ quan, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, cân đối chung để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.