Tăng sức khỏe cho đồng ruộng Việt Nam

Trong bối cảnh đất nông nghiệp đang ngày càng suy thoái do lạm dụng phân bón vô cơ, Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050” ra đời nhằm cải thiện chất lượng đất, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ và phát triển bền vững.

Ngày 18-10, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đây là bước đi quan trọng sau khi đề án chính thức được phê duyệt vào ngày 11-10-2024.

IMG_4759.jpeg
Quang cảnh hội nghị

Theo ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình trạng sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ trong nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa, đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của đất. Ông nhận định rằng việc ban hành đề án vào thời điểm này là rất cần thiết khi độ phì nhiêu của đất đang giảm mạnh do lượng phân bón vô cơ vượt mức cần thiết.

Cụ thể, theo nghiên cứu gần đây, tại ĐBSCL, mỗi ha canh tác lúa sử dụng tới 700kg phân bón vô cơ, trong khi tại ĐBSH, con số này là 600kg. So sánh với Trung Quốc, quốc gia này chỉ dùng khoảng 293kg/ha, cho thấy sự chênh lệch lớn trong việc sử dụng phân bón.

IMG_4760.jpeg
Các đại biểu dự hội nghị nêu giải pháp và góp ý

Giảm phân bón vô cơ, tăng phân bón hữu cơ

Theo ông Hà, một trong những nhiệm vụ chính của đề án là giảm thiểu việc sử dụng phân bón vô cơ và khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng việc này cần phải thực hiện một cách hợp lý để không làm ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng.

PGS-TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, để triển khai đề án hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu chất lượng đất và phân bón cho các cây trồng chủ lực. Cùng với đó, việc nghiên cứu các công nghệ chẩn đoán nhanh về đất và phân bón cũng như đẩy mạnh truyền thông về tầm quan trọng của sức khỏe đất là vô cùng cần thiết.

IMG_4756.webp
Bón phân cho lúa bằng máy bay không người lái. Ảnh minh họa

Đề án không chỉ tập trung vào việc quản lý phân bón mà còn đặt mục tiêu ngăn chặn sự suy thoái của đất, góp phần phát triển nông nghiệp hữu cơ và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, ông Vũ Thắng cho biết, mục tiêu của đề án là xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng các loại đất chính và phân bón, đồng thời hoàn thiện quy trình canh tác nhằm giảm thất thoát dinh dưỡng trên các loại đất trồng cây chủ lực.

Đề án cũng đặt ra yêu cầu về việc xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá sức khỏe đất theo các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, với các yếu tố vật lý, hóa học và sinh học được phân cấp rõ ràng. Việc này sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất và góp phần bảo vệ hệ sinh thái đất trồng.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với kiểm soát phân bón

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, đất là nguyên liệu đặc biệt phục vụ sản xuất nông nghiệp và cần được gìn giữ, cải tạo để phục vụ tốt hơn cho ngành trồng trọt. Ông khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan quản lý địa phương trong việc thực hiện Đề án và yêu cầu các đơn vị tham gia cần có kế hoạch thực hiện cụ thể, tránh tình trạng triển khai chung chung.

IMG_4758.jpeg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung phát biểu tại hội nghị

Theo ông Hoàng Trung, mục tiêu tổng quát của đề án không chỉ dừng lại ở việc nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng mà còn hướng đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn mới và góp phần vào quá trình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị các đơn vị tham gia cần phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu và các cơ quan liên quan để thực hiện thành công đề án, góp phần vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho tương lai.

Tin cùng chuyên mục