Đa dạng hình thức tư vấn, tuyển sinh
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM năm nay dự kiến tuyển 2.900 học sinh, sinh viên (HSSV) của 21 ngành đào tạo cho hệ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Th.S Phan Văn Thanh Cần, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, ngoài việc gấp rút triển khai số hóa giáo trình, tài liệu tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh theo hướng chuyên nghiệp, trường xây dựng cẩm nang nghề nghiệp điện tử ở các ngành nghề đào tạo, phát hành trên nền tảng số, tiếp cận phụ huynh học sinh… Trường tổ chức nhiều đợt tư vấn tuyển sinh cho giáo viên, cán bộ quản lý từ các trường THPT trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận để chính thầy cô sẽ là “cánh tay nối dài” giúp công tác tuyển sinh của trường đạt kết quả cao.
Trong khi đó, Th.S Võ Long Triều, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát, trường tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đăng tải các bài viết, video clip thông tin tuyển sinh của trường một cách đa dạng với nhiều phiên bản phù hợp trên các kênh thông tin như Website, YouTube, Zalo, Facebook, TikTok… Trường chủ động điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh các ngành nghề, hệ đào tạo, liên kết với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho người học, có như vậy mới thu hút được học sinh”.
Cũng quyết liệt “chuyển bộ”, hàng chục trường nghề khác của thành phố đã thí điểm mở ngành lạ, ngành phi truyền thống như ngành điện tử nông nghiệp của Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn; ngành quản trị bệnh viện của Trường Cao đẳng Viễn Đông; Digital Marketing, quản lý sản xuất truyền thông của Trung tâm Hướng nghiệp Á Âu… Đây là những kỹ năng và kiến thức có tính ứng dụng cho nhiều lĩnh vực nghề nghiệp nên các trường mở rộng đào tạo, tiếp cận thêm nhiều học viên.
Chủ động nắm bắt cơ hội
Hiện các trường đại học đã và đang mở rộng chỉ tiêu, triển khai nhiều hình thức tuyển sinh, từ thi tuyển, xét tuyển đến kết hợp thi tuyển và xét tuyển, các trường nghề chắc chắn gặp khó khi đầu vào bị thu hẹp và chất lượng không như mong muốn. Ở góc độ quản lý, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN, Sở LĐTB-XH TPHCM, cho rằng, dịch bệnh giúp trường nghề kịp thời thay đổi để thích ứng bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại… đặc biệt là kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm đảm bảo khi ra trường người học có việc làm ngay.
Cũng theo ông Đặng Minh Sự, một trong những lợi thế của trường nghề năm nay là nhiều trường được xây mới, sửa chữa lớn với tổng kinh phí hàng ngàn tỷ đồng, như xây mới khu hành chính, phòng lý thuyết, thực hành hiện đại tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (trên 180 tỷ đồng); hoàn thành và đưa vào sử dụng khu hành chính, các khoa phòng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (khoảng 200 tỷ đồng) và cơ sở 2 của Trường Cao đẳng nghề TP tại TP Thủ Đức (gần 300 tỷ đồng); Trường Cao đẳng Kinh tế TP (trên 300 tỷ đồng)…
UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới trên địa bàn. Theo đó, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao, chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; kết hợp đào tạo các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, ngoại ngữ…
Đặc biệt, thành phố khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng, trả lương người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Thành phố sẽ ưu tiên phân bổ ngân sách cho các hoạt động GDNN trong tổng chi ngân sách dành cho giáo dục và đào tạo; có kế hoạch thu hút và ưu tiên sử dụng vốn ODA để đầu tư cho cơ sở dạy nghề.
Để nắm bắt các lợi thế trên, TS Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề TPHCM chia sẻ, cơ sở 2 (phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức) được đưa vào sử dụng với quy mô đào tạo 5.000 HSSV, khu KTX 300 chỗ giúp việc dạy và học của thầy trò thuận lợi. Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng nghề TPHCM cũng là trường duy nhất trên địa bàn thành phố đủ điều kiện được Tổng cục GDNN cho phép tổ chức dạy và cấp chứng chỉ “Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia” cho người học (10 nghề) và giấy chứng nhận “Đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động”.
Người học khi có chứng chỉ và chứng nhận này rất thuận lợi, được trả lương theo vị trí việc làm, doanh nghiệp không phải tốn thêm phí đào tạo. “Những lợi thế trên chắc chắn được nhà trường phát huy hết công suất để đào tạo đạt hiệu quả cao nhất”, TS Trần Kim Tuyền khẳng định.