Những năm qua, hệ thống cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ. Thế nhưng, để phát huy hết tiềm năng của một cụm cảng được xếp vào nhóm đặc biệt, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải cần được đầu tư, cải thiện nhiều hơn nữa để tăng sức cạnh tranh, vươn tầm ra biển lớn.
Nhiều rào cản
Nằm trên trục hàng hải quan trọng của Việt Nam vươn ra thế giới, giai đoạn 2015-2022, lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng khá tốt, với mức tăng bình quân đạt trên 13%; trong đó cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã trở thành 1 trong 19 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận thế hệ tàu container siêu lớn trên 24.000 TEU. Nếu như trước đó, cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có tên trong bảng xếp hạng tốp 100 cảng biển của thế giới thì đến năm 2021, hệ thống cảng biển của tỉnh đã vươn lên xếp thứ 22 và hạng 11 về cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Cái Mép - Thị Vải còn một số hạn chế về quy mô, nguồn hàng, thủ tục hành chính và đặc biệt là thiếu trầm trọng một hệ sinh thái logistics khiến cụm cảng nước sâu chưa thể phát huy hết tiềm năng.
Theo phân tích của ông Phạm Quang Huy, chuyên viên cao cấp của Tập đoàn Gemadept, nguồn hàng hiện nay của Cái Mép - Thị Vải chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và ĐBSCL với tỷ lệ chiếm trên 81%. Cùng với đó, lượng hàng từ cảng về thông quan trong tỉnh chỉ có 10% và 90% hàng hóa còn lại di chuyển khỏi Cái Mép - Thị Vải bằng sà lan để làm thủ tục tại nơi khác.
Nguyên nhân do hệ thống dịch vụ hậu cần, hỗ trợ cảng biển chưa theo kịp tốc độ phát triển khiến cụm cảng khó khăn trong thu hút nguồn hàng. Còn theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT), thay vì kỳ vọng đầu tư khu mậu dịch tự do, thì Cái Mép -Thị Vải nên thực hiện mô hình khu phi thuế quan như ở cảng Lạch Huyện (TP Hải Phòng) để thu hút hàng hóa bởi mô hình này khả quan hơn rất nhiều.
Theo bà Phạm Thị Bảo Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vina Logistics - VNL, Cái Mép - Thị Vải đang thiếu khu vực logistics sau cảng và hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ. Phần lớn lượng hàng hóa xuất khẩu vẫn thực hiện các công đoạn đóng container, kiểm định, khai quan tại ICD ở các tỉnh khác rồi vận chuyển bằng sà lan đưa lên tàu mẹ tại khu vực Cái Mép - Thị Vải. Đáng chú ý, hàng xuất đi trong khu vực châu Á rất nhiều, nhưng Cái Mép - Thị Vải có chưa đầy 10 tuyến nội Á; dẫn tới khá nhiều doanh nghiệp phải vận chuyển hàng hóa lên cảng Cát Lái (TPHCM) để xuất đi.
Sớm hoàn thiện kết nối giao thông đa phương thức
Theo các chuyên gia đầu ngành, để giải quyết những tồn tại của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cần đẩy nhanh quy hoạch hệ sinh thái hoàn chỉnh để biến cụm cảng thực sự trở thành nơi trung chuyển hàng hóa của khu vực. Và để làm được điều đó, cần có chính sách linh hoạt nhằm thu hút nhà đầu tư và đặc biệt thúc đẩy giao thông kết nối đa phương thức cho Cái Mép - Thị Vải. Theo PGS-TS Hồ Thị Thanh Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải cần học tập giải pháp của các cảng trên thế giới như: chủ động tiếp cận các cảng, hãng tàu trên thế giới để tìm nguồn hàng kết nối, tạo nhu cầu liên kết trung chuyển hàng hóa và tăng cường chuyển đổi số, dịch vụ logistics cũng như phát triển cảng xanh.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng, mối quan hệ giữa cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với sân bay Long Thành là một lõi nam châm của cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ. Do đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh trong vùng cần xây dựng hệ sinh thái vùng và liên kết vùng để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tạo ra nguồn hàng lớn cho cụm cảng.
Cùng đó, cần kết nối sâu hơn với các tỉnh, thành ĐBSCL để thu hút nguồn hàng đặc thù từ vựa lúa của cả nước. Đặc biệt, cần có một khu phi thuế quan và triển khai nhanh Trung tâm Cái Mép Hạ nhằm thu hút được các công ty nhập khẩu, phân phối lớn từ các thị trường trọng điểm có mối quan hệ thương mại với Việt Nam.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, về lâu dài, cần đầu tư hoàn thiện cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới theo tinh thần Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. Vừa qua, Chính phủ đã giao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng 4 đề án để phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với kịch bản, phương án, lộ trình cụ thể để trình cấp thẩm quyền xem xét trong năm 2023. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông kết nối như tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4 và đường sắt kết nối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.