Tăng sức hấp dẫn để thu hút đầu tư

Không phải là điều quá bất ngờ, nhưng việc TPHCM xếp thứ 3 trong danh sách các địa phương thu hút nhiều đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2024 (sau Bắc Ninh và Quảng Ninh) vẫn khiến các nhà quan sát kinh tế có phần tiếc nuối. Bởi lẽ, vốn là “đầu tàu kinh tế” ở phía Nam, sở hữu nhiều ưu thế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…, TPHCM đã vững vàng ở vị trí số 1 trong 2 năm liên tiếp gần đây (2022 và 2023) về thu hút FDI với tổng vốn lần lượt là 3,94 tỷ USD và 5,85 tỷ USD.

Năm 2022, nếu tổng FDI của TPHCM chiếm khoảng 14,2% thì năm 2023, tỷ lệ này lên tới gần 16% tổng vốn FDI của cả nước.

Năm 2024, tổng vốn FDI đầu tư vào TPHCM biến động mạnh, chỉ đạt 2,2 tỷ USD, giảm 39,5% so với năm 2023. Trong đó, mặc dù số dự án cấp mới (1.285 dự án) vẫn tăng 14,7%, nhưng vốn đăng ký chỉ đạt 475 triệu USD, giảm 18,3% so với năm 2023.

Cùng kỳ, số vốn FDI thông qua góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp chỉ đạt 1,27 tỷ USD, bằng 49,2%. Lũy kế, đến hết năm 2024, TPHCM vẫn là địa phương thu hút FDI đứng đầu cả nước với 58,45 tỷ USD, nhưng biến động của năm 2024 là không thể không lưu ý.

Lý giải điều này, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) nhắc đến hạn chế cố hữu: quỹ đất công nghiệp khan hiếm, khó thu hút các dự án lớn. Điều này được minh chứng qua việc số dự án vẫn tăng, nhưng tổng vốn đầu tư lại giảm.

Cụ thể, tại Khu Công nghệ cao TPHCM, các dự án thuộc lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn chỉ được dành khoảng 0,5ha - 3ha cho mỗi dự án - quá thấp so với nhu cầu của các nhà đầu tư “đại bàng”. Quỹ đất công nghiệp của TPHCM, theo quy hoạch, vào khoảng 6.000ha, nhưng trong số này đã có tới 1.500ha vướng mắc về pháp lý hoặc chưa giải phóng được mặt bằng.
Các khu công nghiệp hiện hữu chưa phải đã được “lấp đầy” hoàn toàn, song có một phần đáng kể đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đang tiến hành bồi thường chưa ký được hợp đồng thuê đất với Nhà nước, chưa thể mời gọi đầu tư.

Cùng với sự khan hiếm về mặt bằng sản xuất kinh doanh, một khó khăn khác là tình trạng chậm xử lý các thủ tục hành chính. Đầu tháng 1-2025, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam công bố chỉ số niềm tin kinh doanh rất tích cực (61,8) trong quý 4-2024, nhưng cho biết, doanh nghiệp vẫn phiền lòng vì thủ tục hành chính phức tạp, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép. TPHCM cũng không ngoại lệ.

Mới đây, Công ty TNHH Castrol BP Petco phản ánh về việc họ mất hơn 2 tháng không được phản hồi về thủ tục đăng ký điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư… Còn Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM thì cho biết, doanh nghiệp hội viên của mình đi xin giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ thứ hai vẫn bị các cơ quan yêu cầu thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế, trong khi theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam là thành viên, yêu cầu này đã được bãi bỏ từ ngày 14-1-2024.

Để cải thiện tình hình, bên cạnh những giải pháp truyền thống, chắc chắn cần chú trọng hơn đến việc tăng năng lực bố trí quỹ đất, thuận lợi hóa thủ tục hành chính. Dù đất thì không “nở” thêm được, nhưng TPHCM vẫn chưa sử dụng hết quỹ đất vốn có.

Một mặt mở rộng hoặc thành lập khu công nghiệp mới với quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, mặt khác, “bộ lọc” đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án xanh, thân thiện với môi trường cần được vận hành quyết liệt hơn. Cùng với đó là rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ bằng cách tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để tự động hóa và minh bạch hóa quy trình cấp phép đầu tư, kịp thời giải quyết các yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp...

Chỉ có bằng một hệ thống giải pháp đồng bộ mới có thể duy trì và tăng cường sức hấp dẫn, giữ vững vị thế “lá cờ đầu” của TPHCM về thu hút FDI trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục