Bộ trưởng Bộ NN-PTNT LÊ MINH HOAN:
Tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng
Chúng ta hiện nay đang khó thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. Vì xây nhà máy thì phải có vùng nguyên liệu ổn định, nhưng liên kết của chúng ta còn lỏng lẻo, nếu được giá hơn, nông dân sẽ bán cho người khác, bán cho thương lái khác. Cho nên, DN đầu tư nhà máy sẽ phải cân nhắc, vì họ sẽ phá cây này để trồng cây kia. Bộ NN-PTNT không thể ấn định địa phương này chỉ được trồng hoặc phải trồng bao nhiêu sầu riêng.
Tôi về vùng trồng điều ở tỉnh Bình Phước, chứng kiến thu nhập từ trồng điều còn 35 triệu đồng/ha, bà con nông dân bắt đầu đốn điều để chuyển sang trồng sầu riêng. Tôi hỏi bà con, cây điều gắn bó với bao nhiêu đời ở cùng đất này, Bình Phước trở thành thủ phủ điều là chuyện mà thế giới mơ ước, tại sao lại chặt bỏ? Bà con trả lời, ông kia trồng sầu riêng thu 1 tỷ đồng/ha, còn tôi trồng điều 35 triệu đồng/ha thì làm sao giữ. Cho nên, bà con đã chặt bỏ điều và cuối cùng chúng ta đang phải nhập khẩu điều từ Tây Phi. Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta không tích hợp đa giá trị trên một mảnh đất. Ví dụ, trồng thêm các loại cây, hoặc nuôi con khác dưới tán điều, hoặc tính tới việc bán tín chỉ carbon từ điều?
Chiến lược nông nghiệp của chúng ta nên tập trung vào 6 chữ: hợp tác - liên kết - thị trường - giảm chi phí - nâng cao chất lượng - đa dạng sản phẩm. Người nông dân phải hợp tác và liên kết lại, không thể mạnh ai nấy làm, mỗi người một hướng.
Tôi thấy rằng, hiện tại phần lớn diện tích cây ăn trái và nông sản là do người dân, hợp tác xã trồng theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có vùng trồng tập trung, nên năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Do đó, giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nội địa.
Để giải quyết các vấn đề trong ngành nông nghiệp, các địa phương cần chủ động vào cuộc và tích cực hơn trong việc kết nối sản xuất nông sản với thị trường. Thời gian vừa qua, thành công trong tiêu thụ vải thiều ở tỉnh Bắc Giang và nhãn ở tỉnh Sơn La là sự chủ động của các địa phương, đặc biệt là việc lãnh đạo các địa phương trực tiếp tiếp thị sản phẩm, đã giúp kết nối nông sản với thị trường, ngay cả trong những điều kiện kinh tế khó khăn, xuất khẩu gặp trở ngại.
Bộ trưởng Bộ Công thương NGUYỄN HỒNG DIÊN:
Đẩy mạnh xuất khẩu theo hình thức chính ngạch
Thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng dư cung và hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Một trong các giải pháp để phát triển thị trường tiêu thụ là thúc đẩy xuất khẩu và thiết lập các kênh tiêu thụ tại thị trường trong nước. Việt Nam hiện là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài ngày càng rộng mở. Thông qua đàm phán, tháo gỡ các rào cản thương mại, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam đã tiếp cận được các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản và các nước phát triển.
Hiện nay, Bộ Công thương đang nỗ lực làm việc với các đơn vị vận tải, các địa phương để giảm chi phí logistics, cải thiện hệ thống vận tải và thông quan nhanh chóng cho nông sản xuất khẩu. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng ngành nông nghiệp nước ta vẫn còn nhiều thách thức như: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khả năng dự báo thị trường hạn chế, năng lực cạnh tranh của nông sản chưa đồng đều.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh từ các FTA, thúc đẩy đàm phán, giảm chi phí cho DN và đẩy mạnh xuất khẩu theo hình thức chính ngạch. Bộ sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương trong quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng thương hiệu nông sản, khuyến khích liên kết trong chuỗi sản xuất.
TS ĐẶNG KIM SƠN, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT):
Cơ quan quản lý phải dự báo về thị trường
Một trong những lý do khiến nhiều nông dân khó nâng cao thu nhập, không xác định được chiến lược đầu tư lâu dài là vì họ chưa có đủ thông tin về thị trường. Hiện nay, nông dân chủ yếu đưa ra quyết định về việc trồng cây gì, nuôi con gì từ những gì họ nghe qua hàng xóm hoặc thương lái, thay vì dựa vào thông tin thị trường chính thức, những dự báo có độ tin cậy. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ hiện nay không chỉ giới hạn trong nước mà chủ lực là xuất khẩu.
Trong bối cảnh hội nhập sâu, không chỉ nông sản của Việt Nam ra nước ngoài, mà cả nông sản - thực phẩm của các nước vào Việt Nam, buộc nông dân của chúng ta phải cạnh tranh trực tiếp với các đối tác ở nước khác, có khi cách xa nửa vòng trái đất. Thị trường xuất nhập khẩu liên tục biến động và hướng phát triển của nông nghiệp Việt Nam là xuất khẩu, nên thông tin phải được cập nhật liên tục, cơ quan quản lý phải có những dự báo chính xác. Tôi cho rằng, nông dân cần được cung cấp thông tin rõ ràng về xu hướng sản xuất và nhu cầu thị trường toàn cầu, để có thể đưa ra quyết định sản xuất đúng đắn. Để làm được điều này, phải có các cơ quan nghiên cứu thị trường, giúp nông dân hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra trên thế giới.
Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T:
Thay đổi quan điểm về tài sản để tiếp cận được vốn
Việc chế biến sau thu hoạch là khâu rất quan trọng mà ngành nông nghiệp hiện đại phải hướng tới. Bởi chế biến sẽ làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, giảm rủi ro thất thoát trong sản xuất, sơ chế. Khi trái cây Việt Nam đã có thương hiệu thì việc xuất khẩu đi các nước cần lưu ý: Các DN phải đi cùng nhau vì khi sản phẩm nông sản ra khỏi biên giới, người ta sẽ không nói trái cây của Công ty Vina T&T, hay của công ty A, B…, mà sẽ nói là trái cây của Việt Nam. Khi trái cây Việt Nam đạt được thương hiệu ngon, tốt, được các nước ưa chuộng, thì chế biến sản phẩm cũng được thuận lợi kéo theo.
Nhằm hỗ trợ công nghệ chế biến, theo tôi vốn rất quan trọng. Trên những mảnh đất nông nghiệp đang thời kỳ kinh doanh, người dân có nhiều tài sản trên đất, nhưng ngân hàng không chấp nhận là tài sản để được vay thế chấp. Với tư cách là Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tôi đã từng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, rằng phải xem những tài sản được đầu tư trên đất nông nghiệp là loại tài sản được thế chấp ngân hàng, để người nông dân được vay vốn đầu tư, ví dụ như nhà màng, nhà lưới, cây trồng. Khi mà cây đã trồng xuống đất được vài năm, cho thu hoạch thì sẽ có giá trị cao hơn. Vì vậy, chúng ta nên có chính sách đánh giá đúng giá trị tài sản từ đây, để ngân hàng cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi, có điều kiện cơ giới hóa đồng ruộng, chăm chút cho cây trồng.
Với DN, vốn vay ưu đãi hết sức quan trọng. Thời gian qua, DN cũng bỏ vốn rất nhiều vào vùng trồng, hỗ trợ vốn ban đầu cho nông dân trồng trọt từ nguồn vốn vay ngân hàng, chứ nguồn lực DN cũng có hạn. Từ đó dẫn đến DN neo về nguồn vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp, thu mua nông sản cho nông dân.
Điều cuối cùng, đối với xuất khẩu nông sản, logistics là vấn đề sống còn của DN. Ở miền Nam, cảng Cát Lái đóng vai trò rất quan trọng. Chính phủ và bộ ngành chức năng cần nghiên cứu và đầu tư nhiều cảng nước sâu như vậy, để tàu của các nước trực tiếp vào lấy hàng, rồi vận chuyển ra khỏi Việt Nam, đưa nông sản, trái cây đến các châu lục. Năm 2008, khi chưa có cảng Cát Lái, DN chúng tôi xuất một container hàng qua bờ Tây nước Mỹ mất gần 30 ngày. Có cảng Cát Lái, tàu nước ngoài vào nhận hàng thuận lợi, đưa nông sản Việt đi Mỹ chỉ trong 17 ngày. Như vậy giúp nông sản, trái cây của DN đi nhanh, bảo quản tốt, lại có sức cạnh tranh rất lớn trên bình diện quốc tế.