Quy hoạch một đường, thực tế một nẻo
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta có quy hoạch vùng trồng, sản lượng trồng nhưng trên thực tế không kiểm soát việc thực thi quy hoạch, dẫn đến tình trạng trồng tràn lan, cung vượt cầu.
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đã “vỡ trận” về quy hoạch cây trồng. Cây nào có giá trị kinh tế cao thì người dân đua nhau trồng hàng loạt, phớt lờ khuyến cáo của các nhà khoa học, cơ quan chức năng.
Minh chứng rõ nhất là việc phát triển ồ ạt cây hồ tiêu. Tại tỉnh Đắk Nông, diện tích hồ tiêu khoảng 36.000ha, vượt hơn 2,5 lần so với định hướng quy hoạch. Còn tại tỉnh Đắk Lắk, diện tích hồ tiêu cũng đã lên tới 39.000ha, vượt xa so với quy hoạch chung.
Tương tự, cây sầu riêng đang phát triển rất “nóng” tại ĐBSCL, Đông Nam bộ và Tây Nguyên, kể cả trên vùng đất không phù hợp. Thậm chí sầu riêng còn được trồng trên vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được nước tưới.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), trong Quy hoạch trồng trọt đề ra định hướng đến năm 2030, cả nước phát triển khoảng 65.000-75.000ha sầu riêng, với sản lượng 830.000-950.000 tấn. Thế nhưng, chỉ tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng cả nước vào khoảng 110.000ha, tăng khoảng 25.000ha so với năm 2021.
Với thực trạng này, diện tích sầu riêng đã vượt khoảng 35.000ha so với quy hoạch. Trong những tháng gần đây, diện tích trồng mới cây sầu riêng tiếp tục tăng mạnh.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã cho sầu riêng Philippines xuất sang nước này. Điều này khiến nông dân Đông Nam Á bước vào cuộc chạy đua trồng sầu riêng để tranh giành thị trường xuất khẩu gần như duy nhất là Trung Quốc.
Nhận thấy sẽ phải cạnh tranh với 2 “đối thủ” là Việt Nam và Philippines, có thể bị mất vị thế “độc tôn” của mình, Thái Lan đã đề ra giải pháp ứng phó để giữ thị trường, với việc nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Thái Lan cũng thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng bằng đường bộ, đường sắt quá cảnh qua Lào để rút ngắn thời gian, gia tăng chất lượng nhằm cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam và các nước khác.
Chỉ là “khuyến cáo”
Lý giải cho sự tăng “chóng mặt” của diện tích sầu riêng ở nước ta, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Intimex Group, cho hay, đó là do loại quả này mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn nhiều so với các loại nông sản khác.
Hiện cà phê, tiêu cho lợi nhuận 300-400 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây sầu riêng có thể mang về khoảng 2 tỷ đồng trên cùng diện tích. Do đó, rất khó giữ người nông dân ở lại với cây hồ tiêu, hay cây trồng khác.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), cảnh báo, diện tích trồng các loại cây như hồ tiêu, cao su, cà phê… ngày càng mở rộng quá mức so với quy hoạch ban đầu, đang tạo ra nhiều rủi ro. Những rủi ro này liên quan đến đất đai, nguồn nước, khí hậu, cũng như giống cây trồng, kỹ thuật canh tác và trình độ quản lý.
Bên cạnh đó là mối lo tình trạng sản xuất nông sản tự phát, chủ yếu vì chạy theo lợi nhuận trước mắt, dẫn đến việc mở rộng diện tích trồng trọt một cách ồ ạt mà không quan tâm đến quy luật cung cầu của thị trường, không chú trọng đến chất lượng. Khi nhiều nông dân mở rộng diện tích trồng cây, vi phạm quy hoạch, dẫn đến tình trạng sản phẩm dư thừa, bị ép giá và không thể bán được. Kết quả là họ phải phá bỏ hoặc chuyển đổi cây trồng sang loại khác chỉ sau vài năm đầu tư canh tác…
Theo ngành chức năng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, do chưa có quy định cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước không có quyền cấm bà con trồng loại cây (ăn trái) này hay kia, mà chỉ có thể đưa ra khuyến cáo rằng phải tuân thủ quy hoạch để đảm bảo phát triển bền vững, ổn định giá và thị trường. Bên cạnh đó, tuyên truyền bà con nông dân cũng căn cứ vào quy hoạch của từng địa phương để tuân thủ đúng quy hoạch, không thể ồ ạt phá vỡ quy hoạch rồi lại yêu cầu phải có giải pháp “giải cứu”.
Ngành nông nghiệp các địa phương đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp tổng thể, từ tuyên truyền, vận động đến rà soát quy hoạch, lập đề án, dự án khả thi, chuyển giao về kỹ thuật, khoa học - công nghệ, tổ chức lại sản xuất… Tuy nhiên, vấn đề quyết định trồng cây gì trên đất của chính mình thuộc về quyền của người dân.
TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, chia sẻ, thời gian qua ngành chức năng đã ra sức tuyên truyền, nhưng đất là của người dân. Vì miếng cơm manh áo, họ muốn trồng gì thì trồng! Đây chính là cái khó của ngành chức năng. Khi trồng một loại cây gì, thu hoạch giá thấp quá thì họ phải chặt bỏ để trồng cây khác. Còn các doanh nghiệp, họ biết tính toán, khi giá thấp họ sẽ giảm đầu tư, khi có giá cao sẽ có giải pháp đầu tư lại. Việc trồng - chặt - trồng chỉ xảy ra đối với người dân khó khăn.
“Chúng tôi khuyên người dân trong quá trình trồng, khi nông sản có giá thấp đừng vội phá bỏ, cần tìm hiểu thị trường và giảm đầu tư để hạ chi phí sản xuất, đợi giá tăng sẽ chăm sóc đầu tư. Như vậy sẽ giảm thiệt hại hơn so với việc vội vã chặt và đầu tư trồng mới”, TS Võ Hữu Thoại khuyến cáo.
Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết, hiện ngành nông nghiệp đang phối hợp các đơn vị liên quan rà soát lại hiện trạng sản xuất; đồng thời, đề xuất UBND tỉnh Tiền Giang định hướng phát triển cây sầu riêng của tỉnh đến năm 2030, phù hợp với thực trạng của địa phương và quy hoạch cây ăn trái của Bộ NN-PTNT.
Trước tình trạng sản xuất nông nghiệp thời gian qua vẫn theo chiều rộng, điệp khúc “được mùa, mất giá” hay xảy ra và câu chuyện “giải cứu” nông sản luôn là vấn đề nóng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây là quy luật kinh tế cung - cầu và phải khống chế quy luật này. Đó là khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm sản lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt.
Do đó, giải pháp cho vấn đề “được mùa, mất giá” là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa. Một khi chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản, và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu.
TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết, dù ngành nông nghiệp đã quy hoạch vùng trồng, nhưng người dân vẫn chạy theo giá thời vụ, phát triển diện tích các loại cây trồng không hợp lý, dẫn đến sản lượng không ổn định, không có thị trường tiêu thụ bền vững.
Nhằm khắc phục tình trạng này, ngành chức năng cần xây dựng quy hoạch các vùng trồng bền vững. Trong đó, cần mời gọi các nhà đầu tư lớn về địa phương cùng người dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tạo thị trường tiêu thụ bền vững cho các mặt hàng nông sản.
Đối với người dân, cần tổ chức trồng xen các cây trồng có giá trị trong vườn, rẫy nhằm hỗ trợ lợi nhuận và rủi ro cho nhau. Đồng thời, cần liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp để sản phẩm làm ra có chỗ đứng bền vững.