Thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được bước tiến về nhiều mặt, song nhìn chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Mặt khác, tình trạng “trồng - chặt, chặt - trồng”, hay “được mùa mất giá, được giá mất mùa” diễn ra thiếu kiểm soát; đa phần sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu ở dạng thô, giá trị thấp lại khá phổ biến.
Chạy theo cây “thời thượng”
Khi giá tiêu tăng lên 120.000 đồng/kg vào năm 2011, nông dân các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt mở rộng diện tích, phá bỏ cà phê, cây trồng ngắn ngày, chuyển sang trồng tiêu. Riêng tại Gia Lai, chỉ ít năm sau đó, từ chỗ toàn tỉnh có khoảng 6.000ha tiêu, đã “bùng nổ” lên gần 15.000ha; chỉ riêng huyện Chư Pưh tăng lên 2.800ha. Tuy nhiên, vào mùa mưa năm 2015, khi giá tiêu đạt đỉnh 270.000 đồng/kg, cũng là lúc dịch bệnh trên cây tiêu bắt đầu phát sinh, lây lan khắp nơi.
Nông dân các huyện của tỉnh Gia Lai như Chư Prông, Chư Sê, Đắk Đoa, Mang Yang… không thể ngờ rằng, chỉ trong vài tuần, bạt ngàn hồ tiêu xanh mướt bị nhuốm màu xám xịt, xơ xác. Cây tiêu chết rụi hàng loạt, nông dân các huyện Chư Pưh, Chư Sê chặt bỏ. Trong năm 2019, có đến gần 9.000 người lao động của 2 huyện này phải bỏ nương rẫy đi làm ăn xa vì… hồ tiêu thất bát!
Tương tự cây tiêu, cây điều cũng được coi là cây “đổi đời” khi mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ một thời, cũng rơi vào tình cảnh “trồng - chặt”. Tại tỉnh Đắk Nông, những năm 2020 trở về trước, mặt hàng điều được giá, nhưng sang giai đoạn 2020-2024, người trồng điều long đong.
Anh Nguyễn Văn Long (xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) cho biết, những năm qua cây điều liên tục mất mùa, riêng năm 2023, điều mất mùa nặng nhất, chỉ thu được 1 tạ/ha. Do nhận thấy khí hậu biến đổi nhiều, không còn phù hợp với cây điều nữa nên anh Long đã phá bỏ 1,5ha điều để trồng sầu riêng, 900 cây cà phê. Anh Nguyễn Văn Chí, cùng ở xã Quảng Tân, cũng chặt bỏ 2,5ha điều. Hiện anh đã làm đất, lắp đặt hệ thống tưới nước và mua 200 cây sầu riêng giống để trồng vào thời điểm thích hợp.
“Tôi trồng thuần cây điều, nhưng 3 năm liên tiếp mất mùa nên không còn kiên nhẫn nữa, giá chỉ còn ở mức 21.000-22.000 đồng/kg điều tươi, giảm phân nửa so với năm 2019. Gia đình phải chuyển đổi cây trồng để tìm nguồn thu nhập khác”, anh Chí nói.
Trong khi đó, dọc tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, những cánh đồng lúa bạt ngàn xanh mướt ngày nào giờ đây đã trở thành những vườn cây ăn trái, trong đó chủ yếu là sầu riêng 1-5 năm tuổi. Bà Nguyễn Thị Mỹ (ấp Mỹ Phú B, xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sầu riêng ở huyện, cho biết, do làm lúa thu nhập thấp nên dự định chuyển sang trồng mít thái, nhưng “nghe ngóng” tình hình thấy mít “lúc được lúc mất”, nên trồng sầu riêng.
Nhiều nông dân ở các tỉnh Tiền Giang, Long An cũng chuyển đổi cây trồng như hộ bà Mỹ, khiến diện tích sầu riêng tăng vọt, không theo quy hoạch khuyến cáo. Trong khi nhiều diện tích đất nông nghiệp vùng Đồng Tháp Mười (ở Tiền Giang, Long An) bị nhiễm phèn, không thích hợp trồng sầu riêng. Tuy nhiên, người dân vì muốn “nhanh giàu” đã cải tạo đất, phá bỏ cây khóm để trồng sầu riêng…
Ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), chia sẻ, do giá sầu riêng thời gian qua tăng cao nên người dân chuyển sang trồng sầu riêng. Từ năm 2021 đến nay, tại vùng phía Bắc quốc lộ 1A của huyện Cái Bè, người dân đã chuyển từ đất lúa, cây ăn trái già cỗi sang trồng cây ăn trái với diện tích gần 1.400ha, chủ yếu là sầu riêng (930ha), đến nay toàn huyện có hơn 7.000ha sầu riêng…
Tại các địa phương khác như Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), Phong Điền, Thới Lai (TP Cần Thơ), Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), diện tích trồng sầu riêng thời gian qua cũng tăng cao, song không phải nông dân nào cũng đạt hiệu quả kinh tế. Đơn cử như trong năm 2023, nhiều diện tích sầu riêng tại huyện Giồng Riềng chết do thiếu nước và nhiễm phèn, mặn.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Theo Bộ NN-PTNT, nông sản chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch mỗi năm khoảng 50 tỷ USD, trong đó rau quả đóng vai trò xuất khẩu chủ lực. Rau quả Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn, trong đó có các thị trường yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc… Tuy nhiên, gần 80% nông sản của Việt Nam ra thị trường chưa có thương hiệu, logo, nhãn mác…
Lấy ví dụ, mặc dù được mệnh danh là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho mặt hàng này của Việt Nam còn khá mờ nhạt… Sản phẩm xuất khẩu thiếu thương hiệu nên chưa được người tiêu dùng nước ngoài biết nhiều mà phải thông qua các doanh nghiệp trung gian nước ngoài hoặc gia công chế biến cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.
Không chỉ thế, nhiều loại nông sản tiêu biểu, chất lượng rất cao ở trong nước như gạo ST25, dừa, xoài, thanh long… nhưng khi xuất ngoại chủ yếu với dạng thô, chưa được quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu. Việc thiếu các tổ chức ngành hàng dẫn dắt khiến nông sản Việt Nam khó định vị được thương hiệu, định giá mỗi khi thâm nhập thị trường nước ngoài. Từ thực tế địa phương, ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, bộc bạch, lúa gạo của Cần Thơ nổi tiếng từ lâu, nhưng đến nay, thương hiệu lúa gạo vẫn chưa thể vươn xa.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, ngậm ngùi: Nhiều doanh nghiệp trong nước đưa sản phẩm ra thị trường cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu bằng giá cả, chứ chưa bằng chất lượng. Nếu chưa ổn định về sản lượng, chất lượng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt khó khả thi!
Theo các chuyên gia, chúng ta mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… qua các hiệp định thương mại được ký kết và có hiệu lực. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam xuất khẩu rất nhiều loại nông sản, nhưng phải chọn lựa cho được sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá và có chiến lược tiếp thị bài bản. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.