Tăng sự hiện diện và hiệu quả của thỏa ước lao động tập thể

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành chương trình của Ban chấp hành về "Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023-2028". Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2028, thỏa ước lao động tập thể sẽ bao phủ ít nhất 85% người lao động tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Để đạt được mục tiêu này, hàng loạt nhiệm vụ và giải pháp đã được tổ chức này đề xuất.

Cán bộ công đoàn cơ sở trong các khu công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên được tập huấn kỹ năng thương lượng và ký kết các thỏa ước lao động tập thể. Ảnh minh họa
Cán bộ công đoàn cơ sở trong các khu công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên được tập huấn kỹ năng thương lượng và ký kết các thỏa ước lao động tập thể. Ảnh minh họa

Cải thiện môi trường, giảm giờ làm

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường sự hiện diện và hiệu quả của thỏa ước lao động tập thể. Một trong những nhiệm vụ cốt lõi là nâng cao chất lượng tham mưu trong xây dựng chủ trương của Đảng, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất các chính sách về tiền lương tối thiểu, chế độ phúc lợi, bảo hiểm xã hội và những quyền lợi thiết yếu cho người lao động. Đồng thời, việc tham gia nghiên cứu và đề xuất mô hình giải quyết tranh chấp lao động tập thể cũng được đẩy mạnh, với mong muốn cải thiện môi trường làm việc, giảm thiểu giờ làm và tăng cường quyền lợi cho người lao động.

Đại diện tổ chức công đoàn cho rằng, các cơ quan truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động và công đoàn về tầm quan trọng của đối thoại và thương lượng tập thể. Việc xây dựng các mô hình đối thoại ngoài doanh nghiệp và mở rộng độ bao phủ thỏa ước lao động tập thể được khuyến khích thực hiện trên toàn quốc.

Theo Chương trình mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành, tổ chức công đoàn sẽ thí điểm các mô hình đối thoại ngoài doanh nghiệp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với các tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở cấp trung ương, công ty toàn cầu có chuỗi cung ứng tại Việt Nam; liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối thoại với các nhãn hàng, công ty toàn cầu có chuỗi cung ứng tại địa phương, với các doanh nghiệp sử dụng đông lao động, có chi nhánh tại nhiều địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Cán bộ công đoàn đóng vai trò quan trọng trong đối thoại tập thể

Để đạt được mục tiêu đến năm 2028, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đóng vai trò quan trọng. Việc củng cố và phát triển đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đặc biệt tại các doanh nghiệp lớn, là ưu tiên hàng đầu. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đặt ra tiêu chuẩn, chương trình đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa kiến thức, kỹ năng cho cán bộ công đoàn.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các mô hình đối thoại tập thể cũng được mở rộng với nhiều cấp độ và đối tác. Công đoàn cơ sở được khuyến khích tham gia thương lượng tập thể đồng loạt tại các doanh nghiệp chung chủ sở hữu, chuỗi cung ứng hoặc ngành nghề đặc thù. Đồng thời, việc kết hợp giữa phát triển đoàn viên và quá trình thương lượng tập thể cũng là yếu tố quyết định sự thành công của mục tiêu này.

Việc thành lập các nhóm chuyên gia hỗ trợ thương lượng, đối thoại tập thể ở cấp khu vực, ngành nghề cũng được đưa ra nhằm hỗ trợ kịp thời cho các công đoàn cơ sở trong việc nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể.

Cùng với đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định chi tài chính cho hoạt động tham gia xây dựng quy chế thực hiện dân chủ và thực hiện dân chủ ở cơ sở, đối thoại, thương lượng tập thể, tổ chức hành động tập thể; quy định cụ thể nội dung chi, mức chi Quỹ đại diện, bảo vệ.

"Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, công cụ bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở, bố trí nguồn lực hỗ trợ chủ tịch công đoàn cơ sở về thu nhập, việc làm khi bị mất việc làm do thực hiện đối thoại, thương lượng tập thể; nghiên cứu, xây dựng mức phụ cấp cho cán bộ công đoàn cơ sở phù hợp với thực tiễn hoạt động tại cơ sở" - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin.

Những giải pháp này đặt nền móng vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu đến năm 2028, đảm bảo sự bao phủ và hiệu quả của thỏa ước lao động tập thể trong toàn hệ thống công đoàn.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang: Tích cực biểu dương các điển hình

Tổ chức biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, công đoàn các cấp, cán bộ công đoàn các cấp, đoàn viên, người lao động tích cực, có thành tích xuất sắc trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể. Định kỳ 5 năm 2 lần tổ chức tuyên dương chủ tịch công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ LĐTB-XH, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam tiếp tục tổ chức chương trình “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”.

Tin cùng chuyên mục