Theo Bộ GTVT, đây là hướng đi cần thiết, phù hợp với quy định của Luật Xây dựng và Nghị định 59/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đồng thời tăng tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động đầu tư xây dựng.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hàng loạt công trình giao thông lớn sẽ được xây dựng trong thời gian tới, đòi hỏi về tiến độ, chất lượng công trình ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, với thực trạng hoạt động hiện nay, việc tăng quyền hạn cho các PMU của Bộ GTVT liệu có đáp ứng được nhu cầu thực tế vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Nói đến các PMU của Bộ GTVT không thể không nhắc đến PMU 18 nổi danh một thời khi thực hiện quản lý nhiều dự án hạ tầng giao thông hàng chục ngàn tỷ đồng. Liền đó, PMU 18 cũng lại đình đám với vụ bê bối tham nhũng liên quan đến nhiều quan chức trong ngành vào năm 2006.
Sau vụ PMU 18 cũng là thời kỳ thoái trào của các PMU trong ngành giao thông. Do nguồn vốn đầu tư giảm, nhiều dự án bị đình trệ, dự án mới không có khiến các PMU chỉ còn hoạt động cầm chừng.
Cho đến thời điểm này, PMU 2 mà tiền thân của nó chính là PMU 18 đang rơi vào cảnh khó khăn, thiếu việc làm, nợ lương cán bộ, công nhân viên. Các đơn vị khác như TPM Thăng Long, PMU 6, PMU 7 cũng trong tình cảnh tương tự. Nhiều nhân sự giỏi trong bộ máy đã ra đi, năng lực, uy tín cũng giảm sút so với thời hoàng kim.
Điều này đã khiến nhiều chuyên gia tỏ ý lo ngại: Liệu các PMU có đủ sức đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư của các dự án giao thông lớn? Liệu năng lực hiện có của các PMU có làm tốt được quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt quyết định kết quả lựa chọn nhà thầu, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình?…
Năng lực của chủ đầu tư bao gồm cơ cấu tổ chức, nhân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công dự án. Để dự án có chất lượng tốt ngay từ bước đầu, chủ đầu tư phải có các phòng thẩm định kỹ thuật, phòng giám định chất lượng, phòng tổ chức đấu thầu… với lực lượng cán bộ có năng lực tốt, đáp ứng được nhu cầu về mọi mặt trong quá trình triển khai.
Bộ GTVT cũng phải rà soát lại bộ máy, năng lực của các PMU trước khi thực hiện phân quyền. Bên cạnh đó, nếu thực hiện tăng quyền cho các ban quản lý dự án mà các cơ quan quản lý nhà nước không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì nguy cơ lạm quyền, thất thoát trong quá trình thực hiện các dự án cũng rất dễ xảy ra.
Mặc dù Bộ GTVT khẳng định, các PMU sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với vai trò chủ đầu tư, nhưng rõ ràng, Bộ GTVT vẫn cần rất thận trọng trước khi phân quyền. Khi hàng ngàn tỷ đồng được đổ ra đầu tư cho công trình thì việc kiểm soát, phòng ngừa các nguy cơ xấu ngay từ đầu quan trọng hơn là để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý trách nhiệm. Và hơn nữa, tiến độ, chất lượng công trình tốt mới củng cố được niềm tin trong xã hội về công tác quản lý đầu tư các dự án giao thông.