Tối ngày 7-12, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ khai mạc hội thi cồng chiêng, múa xoan cho thanh thiếu niên các trường học.
Tham dự có ông Dương Văn Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum; ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum; ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; ông Nguyễn Thế Hải, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Nguyễn Đức Tuy, Trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy; ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum.
Trong khuôn khổ hội thi, UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức tặng quà, tri ân 10 vị khách trong nhóm 10.000 khách du lịch đến huyện Tu Mơ Rông nghỉ dưỡng năm 2023.
Theo đó, 10 vị khách (từ 9.991 đến 10.000) đến Tu Mơ Rông du lịch đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, vị khách thứ 10.000 đến huyện năm 2023 là ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (TPHCM).
Thay mặt UBND huyện Tu Mơ Rông, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum; ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tặng hoa, quà cho nhóm 10 vị khách trên.
Quà tặng là những bó hoa tươi, bức tranh thác công chúa Siu Puông – một biểu tượng du lịch của Tu Mơ Rông nói riêng và Kon Tum nói chung cùng các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh.
Đặc biệt, vị khách thứ 10.000 là ông Nguyễn Đặng Hiến, được tặng cây quốc bảo sâm Ngọc Linh. Năm nay, ông Hiến đã 3 lần đến Tu Mơ Rông và có kế hoạch thu mua sâm dây tại 3 huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đắk Glei (tỉnh Kon Tum). Trong đó, nhà máy chế biến sẽ đặt tại tại thủ phủ dược liệu Tu Mơ Rông.
Trả lời Báo SGGP Online sau khi được tri ân, ông Nguyễn Đặng Hiến cho biết, bản thân ông rất vui, hạnh phúc vì tình cảm mà huyện Tu Mơ Rông nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung đã dành cho ông thông qua việc tặng quốc bảo sâm Ngọc Linh quý hiếm của đất nước.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, 3 huyện của Kon Tum là Đắk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông có tiềm năng trồng sâm dây. Ông đã đi qua 3 huyện trên để khảo sát cây sâm dây. Trong đó, khi đặt chân đến Tu Mơ Rông, ông cảm nhận tình cảm đặc biệt của lãnh đạo huyện khi họ trực tiếp đến tận nhà dân, tìm kiếm giải pháp để mang lại cuộc sống ấm no, tăng thu nhập cho người dân bằng đặc sản sâm dây. Từ điều đó, ông có suy nghĩ rằng, khi lãnh đạo địa phương đã quan tâm dân thì họ sẽ dành sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Đây là lý do khiến ông quyết định đặt nhà máy chế biến ở Tu Mơ Rông.
Ông Hiến cho biết, hiện đơn vị đang có lộ trình xây dựng nhà máy để mang lại thành công cho người dân và cả doanh nghiệp. Dự kiến qua tết âm lịch, công ty sẽ bắt tay phối hợp với chính quyền để chuẩn bị mặt bằng, thủ tục thành lập nhà máy.
“Việc được tặng sâm là niềm vinh dự lớn, càng giúp tôi thêm hào hứng, tập trung bắt tay xây dựng nhà máy chế biến sâm dây”, ông Hiến nhấn mạnh.