Phải cài đặt phần mềm ứng dụng đậu xe
Nghị quyết của HĐND TPHCM cụ thể hóa cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, yêu cầu từ ngày 1-6-2018, TPHCM tổ chức thu phí đậu ô tô dưới lòng đường tính theo giờ, thay vì theo lượt như hiện hành.
Trước tiên, việc thu phí theo giờ sẽ thực hiện tại 35 tuyến đường ở khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Sở GTVT TPHCM đang phối hợp để hoàn tất việc đàm phán ký hợp đồng, lắp đặt thiết bị thu phí, hoàn chỉnh ứng dụng thu phí…
Do đó, UBND TP đã kiến nghị HĐND TP cho lùi thời gian áp dụng mức thu phí mới và sẽ chính thức áp dụng từ đầu tháng 8-2018.
Theo mức thu mới, người dân khi đậu ô tô dưới lòng đường ở những tuyến đường tổ chức đậu xe có thu phí sẽ phải trả mức phí cao hơn nhiều lần so với hiện nay.
Cụ thể, mức thu từ 20.000 -30.000 đồng/xe cho giờ đậu đầu tiên. Mức phí này sẽ được tính tăng lũy tiến và áp dụng cho 2 nhóm, gồm: ô tô đến 9 chỗ, xe tải dưới 1,5 tấn và ô tô từ 10 chỗ, xe tải trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn. TPHCM thu phí qua đêm (từ 0 - 6 giờ sáng); đồng thời, tùy tình hình giao thông của từng tuyến đường mà quy định thời gian đậu xe cụ thể.
Thu phí đậu xe trên đường Phan Chu Trinh, quận 1. Ảnh: VIỆT DŨNG
Với cách tính mới, trường hợp xe đậu 5 giờ, người dân sẽ phải trả phí đến 170.000 đồng/xe, thay vì chỉ trả 5.000 đồng/xe/lượt như hiện nay. Theo tính toán của Sở GTVT, với việc tổ chức thu phí đậu ô tô lũy tiến như trên và triển khai ở 35 tuyến đường, TP sẽ thu được 31 tỷ đồng/tháng.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT, cho biết thời gian qua Sở GTVT đã thí điểm thu phí đậu ô tô qua điện thoại thông minh tại 3 tuyến đường ở quận 1. Người dân trả tiền đậu ô tô bằng cách nhắn tin, chuyển tiền qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.
“Sắp tới, những trường hợp có sử dụng phần mềm thu phí mới, được đậu ô tô dưới lòng đường có tổ chức thu phí”, ông Ngô Hải Đường khẳng định và cho biết Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ thu phí mà TP sắp triển khai.
Việc thu phí đậu xe qua điện thoại thông minh sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho người dân lẫn công tác quản lý. Đặc biệt sẽ kiểm soát, xác định được thời gian ô tô dừng đậu rõ ràng và tiết kiệm được chi phí tổ chức thu phí do không cần nhân viên xé vé, thu tiền thủ công. Tuy nhiên, những người dừng đậu ô tô dưới lòng đường có thu phí phải cài đặt, sử dụng phần mềm ứng dụng đậu xe.
Nếu không sử dụng sẽ bị buộc dời xe đến những nơi khác. Tương tự, với trường hợp dừng đậu xe ở lòng đường có thu phí mà không trả tiền, cũng sẽ bị chế tài.
Ông Ngô Hải Đường cho biết thêm, hiện Sở GTVT đang phối hợp hoàn chỉnh ứng dụng cũng như cách thức trả tiền. Dự kiến, thông qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, người dân có nhu cầu sẽ tìm kiếm thông tin về số chỗ đậu ô tô còn trống, vào “đặt chỗ” và được hướng dẫn lộ trình lưu thông đến nơi đậu.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng phối hợp xây dựng quy định xử lý các trường hợp vi phạm quy định đậu xe và thu phí…
Tăng phí bảo vệ môi trường
Cũng thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, UBND TPHCM đã có kế hoạch tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP từ ngày 1-7. Bên cạnh việc điều chỉnh mức phí, cách tính phí cũng có sự thay đổi theo hướng nồng độ ô nhiễm trong nước thải càng cao thì chủ cơ sở phải đóng phí càng nhiều.
Về cách tính chung, các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5m3/ngày đêm thì thu mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Trường hợp tổng lượng nước thải từ 5m3/ngày đêm trở lên sẽ áp dụng thêm hệ số K về lưu lượng nước thải.
Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT TPHCM), cho biết Sở TN-MT đã có kế hoạch, thông báo cụ thể đến các cơ sở, doanh nghiệp về việc điều chỉnh mức phí từ đầu tháng 7-2018.
Lần này, cách tính phí có thay đổi; đồng thời bổ sung thêm đối tượng đóng phí là các cơ sở xử lý chất thải rắn. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, TPHCM đã thu phí nước thải công nghiệp nên với sự điều chỉnh lần này cũng không quá khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo Sở TN-MT, TPHCM đang thu phí bảo vệ môi trường đối với gần 2.800 cơ sở sản xuất (thuộc 16 nhóm). Năm 2017, TP thu được 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, các cơ xử lý chất thải rắn, đặc biệt là nhà máy xử lý rác (xả hơn 7.880m3/ngày đêm) có phát sinh nước thải lại không đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
iệc các cơ sở này hàng ngày phát sinh lượng nước thải lớn, có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng không nộp phí là chưa công bằng. Đây là lý do chính của việc bổ sung cơ sở xử lý chất thải rắn vào diện thu phí.
Sở TN-MT nhận xét, các đối tượng phát sinh là nhà máy xử lý rác phải đóng phí (trước đây chưa đóng) nên việc áp dựng chính sách thu phí sẽ ít nhiều tác động đến đời sống xã hội, có thể làm tăng mức phí các dịch vụ liên quan đến xử lý rác.
Điều này có thể tác động trực tiếp đến người dân. Tuy nhiên, việc thu phí này sẽ tác động đến nhận thức về bảo vệ môi trường, khuyến khích tiết kiệm nước, đầu tư hệ thống xử lý nước thải giảm thiểu ô nhiễm thải ra môi trường và tạo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí
Việc áp dụng chính sách thu phí nêu trên là thực hiện theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo Nghị quyết 54, TP được quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa có trong danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; được tăng mức thu phí, lệ phí vượt khung.
UBND TPHCM khẳng định, việc tăng phí hay đặt ra phí, lệ phí mới thì quan điểm của TP cũng không đặt nặng vấn đề thu mà là áp dụng chính sách để quản lý, điều tiết xã hội. Đơn cử, phí bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo doanh nghiệp nhận thức rõ hơn trách nhiệm trong việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường; tăng phí đậu xe dưới lòng đường vì TP không khuyến khích đậu xe ở lòng đường; đồng thời còn đảm bảo thu minh bạch, thu phí ở lĩnh vực nào thì phục vụ lại lĩnh vực đó…