17 nhóm giải pháp
Đề án nêu ra 17 nhóm giải pháp. Cụ thể, tập trung phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt, đến năm 2030 hình thành nên mạng lưới tuyến buýt hoạt động có hiệu quả. Phát triển nguồn lực đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đưa vào khai thác tối thiểu 3 tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 5 và một tuyến xe buýt nhanh BRT.
Đầu tư và đưa vào khai thác tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành đồng bộ với tiến độ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nghiên cứu một số loại hình VTHKCC khối lượng lớn trong đô thị phù hợp với đặc thù hạ tầng giao thông và đặc điểm đi lại của người dân TPHCM như xe điện bánh hơi, tramway (tàu điện), đường sắt nhẹ LRT...
Phát triển vận tải khách đường thủy nội địa và liên vùng kết hợp phát triển du lịch. Xây dựng và triển khai đề án quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trong khu vực nội thành, kết hợp quy định về vị trí dừng, dừng đón trả khách. Phát triển hệ thống xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ (minibus). Đầu tư các bến bãi xe buýt, phát triển các đầu mối trung chuyển xe buýt, hình thành các bãi đậu và giữ xe cạnh trạm xe buýt (Park and Ride).
Quản lý phát triển, đầu tư theo hình thức xã hội hóa các phương tiện xe đạp công cộng, xe gắn máy điện công cộng, xe điện... phù hợp với hiện trạng giao thông để hỗ trợ kết nối các phương thức VTHKCC khác. Tổ chức giao thông ưu tiên cho xe buýt nhằm đảm bảo tốc độ khai thác và tính đúng giờ của xe buýt thông qua việc bố trí làn đường dành riêng hoặc làn ưu tiên cho xe buýt hoạt động. Đầu tư phương tiện xe buýt theo từng giai đoạn, phù hợp với hạ tầng cung ứng nhiên liệu và ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường (CNG, LPG, năng lượng điện hoặc nhiên liệu thay thế khác), trước mắt xây dựng kế hoạch phát triển phương tiện giai đoạn 2021-2025.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý, khai thác, vận hành hệ thống VTHKCC bằng xe buýt. Hiện đại hóa công tác quản lý điều hành VTHKCC trên địa bàn TP. Triển khai ứng dụng vé thông minh (smart card) trong hệ thống VTHKCC bằng xe buýt, đảm bảo áp dụng 100% số tuyến buýt vào năm 2025, liên thông với các loại hình vận tải khác (đường sắt đô thị, đường thủy, dịch vụ cung cấp xe đạp hoặc xe gắn máy điện công cộng). Nâng cao năng lực Trung tâm Quản lý giao thông công cộng.
Song song đó, tổ chức thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP. Kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ (ô tô, mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh) hoạt động trên địa bàn TP. Kiểm soát hoạt động mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và năng lực hệ thống giao thông công cộng. Ngoài ra còn có 7 nhóm giải pháp hỗ trợ như quản lý quy hoạch đô thị, phát triền nguồn vốn hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin…
400.000 tỷ đồng phát triển VTHKCC
Giai đoạn 2021-2025, mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt, đảm bảo kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, các tuyến vận tải khách khối lượng lớn, các phương thức vận tải khác. Cụ thể, ưu tiên phát triển xe buýt và tập trung nguồn lực phát triển hệ thống VTHKCC khối lượng lớn. Đồng thời thực hiện một số giải pháp làm cơ sở triển khai các giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân; tổ chức lại giao thông cho mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại khu vực trung tâm.
Giai đoạn 2026-2030, ưu tiên phát triển, đầu tư các phương thức vận tải khối lượng lớn. Các giải pháp phát triển VTHKCC, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân và các giải pháp hỗ trợ sẽ được triển khai đồng bộ, tiến tới tổ chức lại lưu thông mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực.
Kinh phí thực hiện, dự kiến giai đoạn 2021-2030 là 393.792 tỷ đồng (bao gồm các dự án đang triển khai thực hiện hoặc đã có chủ trương đầu tư). Trong đó, ngân sách Nhà nước là 47.644 tỷ đồng (16.817 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 và 30.827 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030). Ngân sách Nhà nước ưu tiên phát triển VTHKCC (như trợ giá, hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện, hiện đại hóa hệ thống quản lý và điều hành giao thông thông minh, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển VTHKCC, nghiên cứu cơ chế, chính sách). Các nguồn lực khác từ xã hội hóa đầu tư hoặc vốn ODA (đầu tư phương tiện xe buýt, hệ thống vé thông minh; tổ chức xe đạp, xe gắn máy điện công cộng; vận tải hành khách đường thủy; xây dựng các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn; tuyên truyền...) dự kiến khoảng 346.148 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT, sau khi HĐND TPHCM thông qua chủ trương Đề án, trong quá trình triển khai UBND TP sẽ xác định kinh phí cụ thể từng giải pháp, xây dựng kế hoạch thực hiện và lập dự toán ngân sách, báo cáo HĐND TPHCM xem xét