Trên cơ sở đó, Sở Công thương TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp cấp thiết nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp này phát triển mạnh vào năm 2025.
Củng cố hạ tầng
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết các giải pháp được đề ra lần này rất cụ thể trên cơ sở có sự đóng góp ý kiến của nhiều cơ quan chức năng liên quan. Theo đó, trước hết Sở Công thương TPHCM sẽ triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đến năm 2025, kết hợp tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố và Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Kế đến, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng thị trường, kết nối cung cầu sản phẩm và tăng cường liên kết vùng, quảng bá doanh nghiệp thông qua các hoạt động triển lãm, bình chọn sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu cấp thành phố. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm trưng bày về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong Khu Công nghệ cao và vận hành có hiệu quả cổng cơ sở dữ liệu sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ.
Sau khi hoàn thiện hạ tầng hỗ trợ từ phía thành phố, cơ quan chức năng sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cung ứng và khả năng đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế. Ở mức cao hơn, khi doanh nghiệp đã hình thành năng lực sản xuất và cung ứng, sở sẽ từng bước hỗ trợ kết nối để hình thành mạng lưới chuỗi cung ứng nội, đáp ứng tiêu chuẩn là nhà cung cấp cho các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Riêng những khó khăn mà doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ đang gặp phải, như thiếu quỹ đất để tái đầu tư hoặc mở rộng quy mô sản xuất, Sở Công thương đã lập đề án trình UBND TPHCM xem xét xây dựng 2 phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp hoặc 1 khu công nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Cuối cùng là hỗ trợ và thu hút vốn đầu tư thông qua triển khai Chương trình kích cầu đầu tư theo Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND của HĐND TPHCM nhằm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đổi mới máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tăng kết nối, rộng thị trường
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, xác nhận hiện sở đã thành lập nhiều đoàn công tác thường xuyên làm việc với các hội ngành nghề, doanh nghiệp để rà soát, nắm bắt nhu cầu vốn của doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, từ đó tổ chức kết nối doanh nghiệp, ngân hàng để giải quyết về vốn đầu tư cũng như tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Tổng giám đốc Công ty SX-TM-DV Tiến Thịnh, cho hay hiện công ty đang cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho các tập đoàn Samsung, Canon và một số tập đoàn lớn khác trên toàn cầu. Tự đánh giá về khả năng mở rộng cung ứng của mình, ông Thịnh khẳng định hoàn toàn có thể. Vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp nói riêng và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ nói chung là thiếu sự tư vấn và kết nối thị trường.
Trên thực tế, trước đây khoảng 5 năm, doanh nghiệp gần như phải tự tìm kiếm thị trường. Họ vấp phải rất nhiều rào cản cạnh tranh từ các nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối. “Ngay cả khi các tập đoàn này đã đến đầu tư tại Việt Nam và có đưa ra lộ trình cam kết ưu tiên tăng tỷ lệ cung ứng sản phẩm hỗ trợ nội địa, nhưng phải với hàng loạt hoạt động kết nối trực tiếp mà Sở Công thương TPHCM tổ chức vừa qua, chúng tôi đã có thể mở rộng thêm thị phần cung ứng, nhất là đối tác đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Nguyễn Ngọc Thịnh cho biết.
Ở góc độ khác, đại diện Công ty cổ phần Hỗ trợ công nghiệp Minh Nguyên, nhà cung ứng cấp 1 của Tập đoàn Samsung, đánh giá chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công thương và Sở Công thương TPHCM phối hợp với chuyên gia Tập đoàn Samsung thực hiện trong 2 năm qua đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Theo đó, các doanh nghiệp đã cải thiện toàn bộ quy trình sản xuất, tăng năng suất lao động của công nhân, giảm tỷ lệ hàng lỗi để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, những bất cập về quy trình quản lý, giao hàng đúng hẹn, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp… cũng được cải thiện đáng kể.
Ông Nguyễn Phương Đông chia sẻ, tính đến nay tỷ lệ cung ứng sản phẩm hỗ trợ của các doanh nghiệp trong nước cho các tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối đã đạt mức 30%. Một con số còn khá khiêm tốn, nhưng nếu so với tỷ lệ cung ứng chưa tới 10% vào năm 2016 thì thật đáng ghi nhận. Và tỷ lệ này nhất định sẽ được cải thiện ngay khi các giải pháp hỗ trợ ngành công nghiệp được đẩy nhanh và hoàn chỉnh trong thời gian tới.
Theo Sở Công thương TPHCM, mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống đến năm 2020 là 3% - 5%. Trong đó, ngành cơ khí, cao su - nhựa, dệt may và da giày có mức tăng chung 5%. Ngành điện tử - công nghệ thông tin và ngành chế biến lương thực, thực phẩm cùng có mục tiêu tăng thấp hơn, ở mức 2%. Và đến năm 2025, mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được nâng lên mức 7% - 9%. Trong đó, ngành cơ khí, cao su - nhựa, dệt may, da giày sẽ tăng 10%. Ngành điện tử - công nghệ thông tin tăng 5% và ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 4%. |